Những cách tiết kiệm tiền tốt nhất có thể bắt đầu ngay

  • 18/09/2018

Không phải chỉ có bạn mà thực tế là mọi người đều gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền. Và không chỉ những người thu nhập thấp gặp khó khăn này, ngay cả nhiều người có thu nhập cao cung không biết cách tiết kiệm tiền, dẫn đến cứ cuối mỗi tháng lại tiêu hết thu nhập của tháng trước đó. Vậy những cách tiết kiệm tiền nào hiệu quả nhất, dễ làm nhất? Bài viết này đưa ra những cách giúp bạn tiết kiệm chi tiêu để có các khoản tiền tiết kiệm cho các công việc khác.

Làm cách nào để tiết kiệm tiền?

Làm cách nào để tiết kiệm tiền?

1. Tự động trích nợ tài khoản gửi tiết kiệm hàng tháng 

Tiền tiết kiệm thì thường được gửi ở ngân hàng. Và mọi người thường chỉ mở tài khoản tiết kiệm khi có một khoản tiền dư không dùng đến đủ lớn. Nếu bạn không phải là người có kỷ luật tài chính tốt thì chẳng mấy khi bạn thấy được khoản tiền dư này đâu.

Hiểu được của vấn đề này các ngân hàng đã phát triển sản phẩm tiết kiệm: Tự động trích nợ vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng. Thực chất là bạn ủy quyền cho ngân hàng tự động trừ tiền trong tài khoản tiền gởi và chuyển vào tài khoản tiết kiệm cho bạn theo đúng số tiền bạn đăng ký hàng tháng.

Để sử dụng sản phẩm này, bạn chỉ cần 1 lần đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để đăng ký. Công việc tiết kiệm còn lại hàng tháng sẽ được thực hiện một cách tự động. Sản phẩm này thực sự rất ưu việt, phù hợp với những người cần một giải pháp tiết kiệm mạnh tay.

Tuy nhiên, bạn cũng cần xem xét khả năng tài chính của mình để chọn số tiền phù hợp sẽ tự động trích nợ và gửi tiết kiệm mỗi tháng. Việc chọn thời điểm nạp tiền tiết kiệm tự động cũng rất quan trọng. Bạn nên chọn thời điểm mà tài khoản tiền gửi của bạn luôn đảm bảo đủ tiền để ngân hàng trích tự động vì nếu tài khoản tiền gửi của bạn không đủ tiền thì bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm của tháng đó.

Cách tiết kiệm tiền tự động phù hợp với những ai thiếu tính kỷ luật trong tài chính

Cách tiết kiệm tiền tự động phù hợp với những ai thiếu tính kỷ luật trong tài chính

Ví dụ nếu bạn nhận lương vào ngày 25 hàng tháng thì có thể đăng ký dịch vụ trích nợ tự động vào ngày 30 chẳng hạn. Như vậy bạn là bạn có cách tiết kiệm tiền tự động đầu tiên. Dĩ nhiên sản phẩm này cũng có sự linh hoạt (ví dụ rút một phần gốc khi bạn cần), bạn nên tham khảo với ngân hàng để có lựa chọn phù hợp nhất.

2. Trích tiền tiết kiệm ra trước khi chi tiêu mỗi thàng

Cách này về cơ bản khá là giống cách số 1 ở trên. Tuy nhiên, phần này mình muốn nói đến tầm quan trọng của nguyên tắc là cần phải "Tiết kiệm trước khi chi tiêu"  chứ không phải là chi tiêu xong cuối tháng còn bao nhiêu thì mới tiết kiệm. Nếu bạn vẫn cứ làm ngược như phần lớn mọi người thì mục tiêu tiết kiệm của bạn sẽ khó mà thành công.

Hiện nay các doanh nghiệp luôn biết cách làm bạn hài lòng trong chi tiêu. Không những vậy với các chương trình hỗ trợ tiêu dùng của các ngân hàng thì chúng ta càng dễ dàng chi tiền. Đây chính là lý do dẫn đến việc giữ được một khoản tiền tích lũy đến cuối tháng là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với mỗi người.

Một trong những bí quyết để đảm bảo kế hoạch tiết kiệm tài chính là bạn cần có một kế hoạch chi tiêu trong tháng. Bạn không cần tính toán chính xác nhưng cần có một cái nhìn tương đối là bạn dùng bao nhiêu % thu nhập để tiêu xài cho gia đình và bao nhiêu % là để tiết kiệm.

Qua đó bạn nên trích sẵn số tiền tích lũy ngay sau khi nhận tiền lương và gởi thẳng vào tài khoản tiết kiệm để tránh vấn đề chi tiêu lãng phí làm thâm hụt số tiền tích lũy dự kiến. Cách làm này là giải pháp cực kỳ nghiêm túc, giúp bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình.

Làm cách nào để có tiền tiết kiệm: Hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu

Làm cách nào để có tiền tiết kiệm: Hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu

Có thể bạn sẽ hay lo lắng việc trích tiền tiết kiệm ngay đầu tháng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu trong tháng vì đôi lúc việc chi tiêu sẽ phát sinh thêm những khoản tiền chưa lường trước. Tuy nhiên, việc lo sợ này không giúp bạn giải quyết triệt để câu chuyện tài chính của mình mà thay vì vậy bạn có thể tính toán thêm một phần tài chính dự phòng bên cạnh khoản tiền tiết kiệm hàng tháng.

Với cách này bạn sẽ vẫn đảm bảo được việc trích tiền tiết kiệm vào đầu tháng và cũng sẽ còn dư thêm 1 khoản tiền dự phòng vào cuối tháng (nếu tháng đó không có chi tiêu phát sinh bất ngờ). Bạn hoàn toàn có thể tận dụng và cộng số tiền này vào số tiền tiết kiệm vào đầu tháng sau.

3. Sử dụng ứng dụng theo dõi chi tiêu

Phần lớn chúng ta thường gặp phải một vấn đề chung là sau mỗi tháng thì chúng ta thường tiêu xài hết tiền nhưng lại không nhớ được chúng ta đã tiêu xài những hạng mục gì. Ví dụ là nếu lương bạn 10 triệu thì bạn vẫn sống đủ. Vậy bạn có thể nghĩ rằng nếu sếp tăng lương cho bạn lên 12 triệu thì bạn sẽ dư ra 2 triệu?

Nếu bạn biết tận dụng công nghệ vào quản lý tài chính cá nhân thì bạn sẽ có thể quản lý, kiểm soát hết tất cả các thu, chi chi tiết trong tháng. Không những vậy bạn còn có thể xuất ra những thống kê để phân tích hoạch định kế hoạch tài chính trong tương lai. Công nghệ này chính là các ứng dụng theo dõi chi tiêu hiện đang rất tiện ích trên các nền tảng điện thoại thông minh như Money lover, Expense Manager, Misa, Pocketguard...

Ứng dụng quản lý thu chi sẽ giúp bạn hiểu thói quen chi tiêu của mình

Ứng dụng quản lý thu chi sẽ giúp bạn hiểu thói quen chi tiêu của mình

Bạn hoàn toàn có thể khai báo số tiền thu nhập và số tiền dự kiến thu chi hàng tháng vào ứng dụng điện thoại, hàng ngày khi phát chi tiêu bạn có thể nhập vào ứng dụng điện thoại để quản lý.

Các phần mềm được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế nên rất tiện lợi. Ví dụ như phần mềm Money Lover giúp bạn có thể chọn từng mục chi tiết để điền khoản tiền chi tiêu như tiền gởi xe, tiền ăn trưa, tiền chi tiêu liên quan đến giáo dục...Song song đó, phần mềm còn hỗ trợ bạn quản lý khoản nợ phát sinh và kết hoạch trả nợ trong một khoản thời gian dài hay nguồn thu chi đối với những hoạt động kinh doanh cá nhân có qui mô nhỏ.

Sau khi sử dụng các ứng dụng này một thời gian, bạn hãy xem các báo cáo phân tích chi tiêu theo danh mục để biết mình hay tiêu tiền vào đâu nhất. Hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân là bước đầu tiên để có cách tiết kiệm tiền hiệu quả.

4. Lập danh sách mua sắm để không mua thừa 

Khả năng tiêu dùng và tận hưởng cuộc sống của con người là vô tận nên nếu bạn không chi tiêu có kế hoạch thì bạn sẽ không thể có một khoản tiền dư ra để tiết kiệm cho tương lai. Một trong những cách giúp bạn mua sắm hợp lý, tránh mua thừa đồ là lập các danh sách mua sắm.

Cụ thể như đối với các bạn nữ có sở thích mua sắm nên xem xét trước khi mua một cái đầm hay một loại mỹ phẩm, chỉ nên mua những hạng mục mà bạn đang thật sự rất cần trong thời gian hiện tại.

Trong thực tế chúng ta thấy rằng việc tiêu xài cho quần áo, mỹ phẩm của các bạn nữ khá nhiều nhưng tỷ lệ sử dụng thật sự lại rất thấp nên sau đó bạn lại phải cho đi hoặc thanh lý bớt đồ thừa với giá thấp hơn. Mua sắm ít hơn cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường nữa đấy.

Sử dụng Shopping List sẽ giúp bạn tránh mua thừa đồ

Sử dụng Shopping List sẽ giúp bạn tránh mua thừa đồ

Nếu bạn là nam thì bạn sẽ thường có những đam mê công nghệ nên sẽ hay chi những khoảng tiền khá lớn cho các món hàng công nghệ để thỏa mãn sự khám phá. Tuy nhiên các món hàng này nhiều khi lại không có giá trị tiêu dùng cần thiết cho bạn và gia đình.

Vấn đề tiêu xài lãng phí theo cảm tính sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng là bạn sẽ không có một khoản tích lũy cần thiết trong tương lai. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến việc bạn dễ dàng lâm vào tình trạng lúc nào cũng không có tiền.

5. Hạn chế vay nợ hết mức có thể           

Khủng hoảng tài chính gia đình, cá nhân thông thường luôn liên quan đến khủng hoảng nợ, vay cá nhân. Để có tiền tiết kiệm thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là phải thoát khỏi vòng quay của nợ nần trước đã.

Các chi tiêu cá nhân thường là những chi tiêu có giá trị nhỏ nên dễ dàng dẫn đến tâm lý chủ quan của bạn. Bạn có thể vay mỗi người một ít nhưng nếu bạn không kiểm soát được hành vi thì sẽ dẫn dến hậu quả không đủ khả năng chi trả nợ.

Riêng đối với các khoản nợ tại các ngân hàng, các công ty tài chính thì bạn sẽ bị phạt và bị cộng dồn nợ ngày một nhiều hơn nên rất dễ xảy ra khủng hoảng tài chính cho chính mình. Do vậy ông bà ta thường có câu “ăn chắt mặc bền” để thể hiện quan điểm sống tiết kiệm và quản lý tốt khả năng chi tiêu nằm tạo một nền tảng tài chính cá nhân bền vững trong tương lai.

Chúng ta nên học và thực hiện theo quan điểm này và hạn chế vay nợ đến mức có thể, nếu bạn muốn mua một sản phẩm nào đó hay muốn chi tiêu vào 1 dịch vụ nào đó thì cần xem xét về tài chính của mình. Các dịch vụ vay tiền nhanh, vay tiền không cần chứng minh thu nhập...quá đơn giản nên dễ khiến bạn rơi vào nợ nần. Thoát khỏi các khoản nợ là công việc đầu tiên cần làm để có các khoản tiết kiệm sau này.

Nợ sẽ khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng

Nợ sẽ khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng

Bạn không nên vì một cảm xúc yêu thích nhất thời mà mượn nợ để thỏa mãn nhu cầu không cần thiết, sau đó lại gánh một khoản nợ không đáng có. Việc này sẽ tạo nên một gánh nặng tài chính cho bạn, bạn sẽ luôn lo lắng toan tính để tìm giải pháp trả nợ, vô tình sẽ làm chỉ số hạnh phúc trong cuộc sống của bạn bị giảm sút đáng kể.

6. Cách tiết kiệm tiền ở ngân hàng có lãi suất cao

Hiện nay thị trường tài chính  Việt Nam ngày một phát triển, kéo theo đó là các ngân hàng thương mại cạnh tranh nhau gay gắt và liên tục đưa ra những gói lãi suất tiền gởi tiết kiệm vô cùng hấp dẫn cho khách hàng.

Nếu bạn là người quản lý tài chính thông thái thì bạn nên tận dụng các ưu đãi này nhằm thu thêm những lợi ích nhất định cho cá nhân và gia đình. Các khoản tiền gửi tiết kiệm càng lớn, kỳ hạn càng dài sẽ càng dễ dàng có được những ưu đãi về lãi suất từ các ngân hàng.

Để có một lựa chọn mang lợi ích cao nhất thì trước khi quyết định gửi tiết kiệm bạn cần tìm hiểu chính sách của nhiều ngân hàng và so sánh lãi suất trên từng kỳ gửi giữa các ngân hàng với nhau.

Sau đó bạn hãy chọn ngân hàng có lãi suất cao nhất để gửi tiết kiệm. Ví dụ như lãi suất tiền gửi tiết kiệm năm 2018 kỳ 12 tháng của ngân hàng Agribank là 6.8%, ngân hàng Vietcombank là 6.6% tuy nhiên các ngân hàng như NCB hay OCB lãi suất lại cao hơn cụ thể là 7.8%.

Lãi suất kép là một câu chuyện kỳ diệu về sinh lời trong dài hạn

Lãi suất kép là một câu chuyện kỳ diệu về sinh lời trong dài hạn

Trong trường hợp bạn gửi tiết kiệm theo tháng và sử dụng tính năng trích tiền tiết kiệm tự động thì bạn nên so sánh 2 yếu tố là lãi suất và tính thuận tiện của việc chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi trước khi ngân hàng tự động trích và nạp tiền vào sổ tiết kiệm.

7. Sử dụng nguyên tắc 6 chiếc hũ trong tài chính cá nhân

Đối với một nhiều gia đình thì để giải được bài toán tài chính bạn sẽ cần phân chia tổng tiền thu nhập thành từng khoảng tiền nhỏ cho các mục đích sử dụng khác nhau. Đây là một trong những cách quản lý tài chính kinh điển và rất hiệu quả.

Phương pháp này được gọi là phương pháp quản lý tiền theo 6 chiếc hũ được giới thiệu bởi T.Harv Eker. Trong phương pháp này thì tất cả các khoản thu nhập có được bạn sẽ phân chia vào 6 chiếc hũ khác nhau.

Những chiếc hũ này bao gồm: Nhu cầu thiết yếu (Necessity – NEC: 55% thu nhập), tiết kiệm dài hạn (Long-term saving for spending – LTSS:10%), giáo dục (Education – EDUC: 10%), hưởng thụ cuộc sống (PLAY: 10%), các hoạt động từ thiện (GIVE: 5%), quỹ tự do tài chính (Financial freedom account – FFA: 10%).  

Cách tiết kiệm tiền theo nguyên tắc 6 chiếc hũ

Cách tiết kiệm tiền theo nguyên tắc 6 chiếc hũ

Công thức 6 chiếc hũ tài chính này không phức tạp. Bạn có thể nghĩ theo một hướng đơn giản rằng bạn sẽ dành 55% tổng thu nhập cho nhu cầu chi tiêu thiết yếu mỗi tháng. Phần chi phí này bạn có thể để một bao thư riêng trong gia đình hoặc có thể giữ nguyên trong tài khoản ngân hàng và chia khoản tiền này làm 4 phần mỗi tuần bạn rút một phần để bảo toàn được kế hoạch chi tiêu.

Song song đó đối với hũ tiết kiệm dài hạn LTSS 10% thì bạn nên trích hẵn 10% tiền lương hay tổng thu nhập gởi vào tài khoản tiết kiệm ngay từ đầu tháng sẽ giúp bạn hạn chế việc xài hết khoản tiền này một cách không kiểm soát.

Hũ giáo dục EDUC 10% thì bạn có thể đăng ký các khóa học bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết cho công việc hoặc mua tài liệu, sách vỡ với chi phí đúng khoản dự kiến vào đầu tháng.

Đối với quỹ tự do tài chính thì đây là một mục tài chính mà đa phần người Việt Nam ít quan tâm, nhưng đây mới chính là một khoản tài chính đầu tư thông minh giúp có thể thu được những khoản tiền thụ động trong tương lai.

Một trong những hũ tài chính mà bạn cần quan tâm nhiều hơn đó chính là GIVE – 5%, đây chính là khoản tiền mà bạn cần chia sẻ cho xã hội hay gia đình hoặc cho bất kỳ hoàn cảnh nào cần sự giúp đỡ của bạn.

Hũ tài chính này giúp cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa và nhân văn hơn, bạn cũng có thể tìm thấy niềm vui thông qua sự sẻ chia, sẻ chia có thể giúp tâm hồn bạn cảm thấy trọn vẹn và hạnh phúc hơn.

Riêng khoản tài chính dùng để tận hưởng cuộc sống thì là 1 khoản tài chính bạn nên ít để tâm vào nhiều vì thực tế cho thấy bạn luôn có khuynh hướng tiêu xài cho lĩnh vực này nhiều hơn 10% nếu bạn không có tính kỷ luật cá nhân cao.

8. Hủy các dịch vụ gia đình không cần thiết

Một trong những vấn đề dẫn đến việc sử dụng nguồn tài chính cá nhân không hiệu quả là do bạn tiêu xài vào những hạng mục không thật sự cần thiết. Do vậy bạn đến cuối tháng bạn không hiểu vì sao lại tiêu hết lương mà không nhận thấy được những giá trị thật sự thu được trong tháng là gì.

Nếu một ngày bạn dành thời gian liệt kê ra tất cả các hạng mục thiết yếu phải chi tiêu trong tháng và những hạng mục thứ yếu nên cắt giảm thì bạn sẽ ngạc nhiên vì số tiền còn dư khá nhiều. Cắt giảm các dịch vụ không cần thiết là một trong những giải pháp giúp bạn tối ưu hóa được chi phí chi tiêu trong tháng nhưng vẫn không ảnh hưởng đế chất lượng cuộc sống. 

Những dịch vụ tốn các khoản chi tiêu hàng tháng như dịch vụ Internet, dịch vụ điện thoại cố định, Truyền hình kỹ thuật số, Dịch vụ âm nhạc, Dịch vụ phim bản quyền...đều cần được đánh giá định kỳ xem bạn có đang tận dụng tối ưu hay không. Cắt bỏ các dịch vụ không có nhu cầu/ ít có nhu cầu sử dụng là cách để giúp bạn tiết kiệm hơn.

9. Hãy mua bảo hiểm y tế

Khi nói đến vấn đề quản lý tài chính thì bạn thường nghĩ đến việc lên kế hoạch tiết kiệm hay tìm cách cắt giảm chi phí chi tiêu hàng tháng mà quên rằng chúng ta còn có một giải pháp rất tốt đó chính là mua bảo hiểm y tế.

Suy cho cùng thì việc tích lũy ngoài mục đích mua sắm tài sản thì tiết kiệm còn nhằm mục đích bảo đảm tài chính trong những tình huống cấp bách liên quan đến vấn đề sức khỏe. Bởi lẽ, sức khỏe luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của mỗi con người nên chúng ta luôn đặc biệt quan tâm và tính toán kỹ lưỡng.

Chính vì vậy mà giải pháp mua bảo hiểm sức khỏe sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, gia đình bạn. Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ bạn một khoản viện phí rất lớn khi bạn gặp phải vấn đề đột ngột về sức khỏe. Ngay cả những khoản bảo hiểm y tế của nhà nước dù có giá chỉ vài trăm nghìn nhưng có thể hỗ trợ bạn lên tới tiền tỷ khi có các vấn đề bệnh tật, điều trị phát sinh.

Bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để đảo bảo các vấn đề về sức khỏe gia đình

Bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để đảo bảo các vấn đề về sức khỏe gia đình

Hiện nay, ngày càng nhiều người chọn mua các gói bảo hiểm sức khỏe trọn gói cho cả gia đình để nhận được nhiều ưu đãi hơn từ các công ty bảo hiểm. Qua đó bạn có thể tham gia một số chương trình khám sức khỏe định kỳ với chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn.

Bạn có thể căn cứ vào những khả năng về sức khỏe trong tương lai để có quyết định chọn mua gói bảo hiểm phù hợp. Ví dụ nếu bạn có kế hoạch sinh con vào năm sau thì bạn nên chọn mua gói bảo hiểm bao gồm bảo hiểm thai sản để có thể tiết kiệm chi phí trong qua trình sinh con.

10. Hạn chế chi tiêu với thẻ tín dụng

Cách tiết kiệm tiền cuối cùng liên quan tới việc chi tiêu với thẻ tín dụng. Theo các nghiên cứu trên thế giới thì những ai dùng thẻ tín dụng thường sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn những ai không dùng.

Các ngân hàng còn không ngừng cho ra các chương trình ưu đãi kích thích tiêu dùng nên bạn rất bị hút vào các chương trình mua sắm, và đánh mất sự kiềm chế trong chi tiêu. Không những vậy, để đạt được chỉ tiêu thì các nhân viên nhân hàng có rất nhiều cách tư vấn nhiều lợi ích hấp dẫn để bạn có thể mở 1 lúc nhiều thẻ tín dụng từ nhiều ngân hàng khác nhau, dẫn đến chi tiêu càng nhiều hơn.

Hãy tránh việc sử dụng thẻ tín dụng quá nhiều

Hãy tránh việc sử dụng thẻ tín dụng quá nhiều

Một trong những nguyên tắc hàng đầu để có thể tiết kiệm là hãy hạn chế, đừng dùng quá nhiều thẻ tín dụng. Bạn nên xem xét so sánh chính sách của từng thẻ và quyết định chỉ giữ lại một thẻ để chi tiêu và đóng hết các thẻ còn lại. Song song đó, bạn cần phải tiết giảm việc sử dụng thẻ tín dụng trong quá trình chi tiêu để có thể kiểm soát tốt được dư nợ hàng tháng.

Bạn nên ưu tiên sử dụng tiền mặt, khi đó bạn sẽ có nhiều cảm giác về việc mình đã tiêu quá nhiều tiền hơn là việc thường xuyên quẹt thẻ tín dụng. Bạn có thể quản lý chi tiêu hiệu quả bằng cách mỗi tuần chỉ rút đúng số tiền cần thiết trong tuần và cố gắng chỉ chi xài trong khoản tiền đó thay vì luôn quẹt thẻ tiêu xài hoang phí. Tập thói quen chi tiền một cách hiệu quả đòi hỏi thời gian nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận