Sử dụng thẻ tín dụng thông thường chỉ phát sinh phí thường niên hàng năm thôi. Tuy nhiên, nếu bạn rút tiền mặt (từ ATM) thì sẽ phát sinh phí rút tiền, nếu quẹt thẻ ở nước ngoài sẽ phát sinh phí chuyển đổi ngoại tệ, nếu bạn quẹt thẻ vượt hạn mức thì sẽ có phí vượt hạn mức, nếu bạn thanh toán muộn sao kê thì sẽ phát sinh lãi. Vậy cách tính lãi thẻ tín dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời vấn đề này.
Tuy nhiên, lời khuyên chân thành của mình là bạn nên thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn, thanh toán đúng số tiền sao kê hàng tháng để tránh phát sinh lãi. Vì lãi thẻ tín dụng cũng không khác gì lãi các khoản vay tín chấp, luôn rất là cao.
Bạn có biết cách tính lãi thẻ tín dụng?
Khi nào bạn được miễn lãi?
Thời gian miễn lãi suất mà hầu hết các ngân hàng áp dụng cho thẻ tín dụng hiện nay thường có mức tối đa từ 45 đến 60 ngày. Kì hạn này là số ngày tối đa bạn được miễn lại cho một giao dịch của thẻ tín dụng. Những giao dịch nào càng gần ngày sao kê thì thời gian miễn lãi càng ít và giao dịch càng xa ngày sao kê thì thời gian miễn lãi càng dài.
Ví dụ nếu thẻ tín dụng của bạn quy định ngày sao kê là 15 hàng tháng và kì hạn miễn lãi là 45 ngày thì các giao dịch trên thẻ diễn ra từ ngày 16 tháng này sẽ được lên sao kê vào ngày 15 tháng sau. Và có thể phải đến ngày 30 của tháng sao kê mới bạn mới phải thanh toán số dư sao kê cho ngân hàng. Vậy là nếu tính đến ngày sao kê tháng sau, giao dịch sớm nhất của bạn vào ngày 16 sẽ có 45 ngày không phải chịu lãi suất.
Khi ngân hàng chốt sao kê, bạn thường có tiếp 15-30 ngày để trả nợ và lãi suất không phát sinh trong thời gian này. Vào ngày đến hạn thanh toán sao kê, bạn cần thanh toán cho ngân hàng toàn bộ số tiền nợ theo sao kê để không phải chịu lãi suất. Đó chính là trường hợp bạn đã sử dụng tối đa 45-60 ngày miễn lãi mà ngân hàng cho phép.
Thanh toán sao kê đúng hạn sẽ không phát sinh lãi
Khi nào ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng?
Trái với việc thanh toán đầy đủ nợ theo sao kê, nếu bạn thanh toán thiếu dù chỉ một đồng sau 45 ngày miễn lãi tối đa, ngân hàng sẽ tính lãi trả chậm và các khoản phạt. Lãi suất thẻ tín dụng sẽ được bắt đầu tính trên tổng tiền nợ của bạn, và lãi này được tính từ thời điểm bạn quẹt thẻ (khi giao dịch phát sinh).
Nói cách khác, lãi suất này được tính cho tất cả các giao dịch mà bạn chưa trả cho ngân hàng, kể từ thời điểm thực hiện giao dịch đầu tiên, khi bạn không trả nợ đúng hạn sau thời gian miễn lãi. Đấy nhé, không phải là tính lãi từ ngày đến hạn sao kê đâu mà là từ ngày bạn quẹt thẻ.
Hãy nhớ rằng ngoài lãi suất trả chậm, bạn còn có thể bị thu phí phạt trả chậm. Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều quy định mức tối thiểu bạn phải trả để không bị phạt trả chậm là 5% dư nợ cuối kì. Trường hợp này thì chỉ phát sinh lãi trả chậm thôi.
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng như thế nào?
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng được mô tả như ví dụ dưới đây và sẽ áp dụng với tất cả các giao dịch bạn trả chậm phát sinh trong kỳ sao kê hàng tháng.
Ví dụ thẻ của bạn có ngày sao kê là 31/1, được ân hạn thanh toán đến 15/2, lãi suất thẻ tín dụng của bạn là 24%/năm.
Trong tháng 1 bạn đã có các giao dịch sau: Ngày 1/1 bạn mua sắm hết 2 triệu đồng, số dư nợ (SDN1) cuối ngày sẽ là 2 triệu đồng. Ngày 7/1, bạn rút tiền mặt 3 triệu đồng, SDN2 cuối ngày là 2 + 3 = 5 triệu đồng. Ngày 20/1 bạn lại quẹt thẻ hết 3 triệu đồng nữa, SDN3 cuối ngày là sẽ 8 triệu đồng.
Nếu tới hết ngày 15/2, bạn không thanh toán sao kê thì sẽ phát sinh hai khoản:
– Phạt trả chậm/ Phí chậm thanh toán (Phổ biến từ 4 – 5% x Số dư sao kê)
– Lãi trả chậm bao gồm: Lãi suất SDN1 (2 triệu x 24%/365 x 7 ngày = 10.500đ) + lãi suất SDN2 (5 triệu x 24%/365 x 13 ngày = 42.700đ) + lãi suất SDN3 (8 triệu x 24%/365 x 21 ngày = 110.500đ) + lãi suất SDN4 (1 triệu x 24%/365 x 5 ngày = 3.200đ). Vậy tổng số lãi bạn phải trả tình đến 16/2 là 167.000đ.
Ngược lại, nếu bạn thanh toán số dư tối thiểu của mỗi kỳ sao kê thì bạn sẽ được miễn phạt trả chậm/phí chậm thanh toán nhưng vẫn phải chịu lãi. Lãi suất thẻ tín dụng là một cạm bẫy rất đắng cho những ai phải nếm trải. Vì vậy, hãy ghi nhớ là luôn phải thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn.
Tips: Mình luôn đăng ký dịch vụ thanh toán toàn bộ số dư thẻ tín dụng tự động với ngân hàng. Tới ngày là họ sẽ tự trừ tiền trong tài khoản thanh toán của mình, nhờ đó mà không phát sinh phí hay lãi thẻ tín dụng.
Lưu ý về phí phạt trả chậm thẻ tín dụng?
Phí phạt trả chậm là khoản phí mà chủ thẻ tín dụng phải chịu nếu không thanh toán đủ và đúng hạn mức tiền thanh toán tối thiểu cho ngân hàng. Ngày đến hạn thanh toán khoản nợ (đuuợc thể hiện trên sao kê) là ngày cuối cùng mà bạn phải thanh toán ít nhất là mức tiền tối thiểu cho ngân hàng.
Nếu không thanh toán mức này, bạn phẩi chấp nhận trả thêm khoản phạt tương đương tỷ lệ phần trăm (phổ biến 3 – 5% dư nợ) phạt tính trên số dư nợ chưa thanh toán đúng hạn.
Bạn có biết khi nào ngân hàng bắt đầu tính lãi suất thẻ tín dụng?
Tỷ lệ phần trăm này được quy định tuỳ theo ngân hàng, ví dụ như ngân hàng BIDV tính phí phạt cho mỗi lần chu thẻ vi phạm là 3% nhân số tiền tối thiểu chưa thanh toán đúng hạn. Khi đã hiểu đặc điểm các khoản lãi suất, phí phạt cũng như cách tính lãi và phí phạt, bạn có thể chủ động chọn thời điểm giao dịch, chi tiêu trên thẻ sao cho sát với ngày sao kê của kỳ trước đó. Bằng cách đó, bạn có thể tận dụng tối đa thời gian ân hạn của mình.
Thanh toán tối thiểu khác gì thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ tín dụng?
Đến ngày miễn lại cuối cùng trong thời hạn ngân hàng cho phép, nếu không có khả năng chi trả toàn bộ số tiền nợ trong kỳ sao kê, thì bạn có thể trả mức thanh toán tối thiểu. Mức này là số tiền tối thiểu bạn cần trả cho ngân hàng để không bị phạt quá hạn, cũng như để tránh bị liệt vào nhóm tín dụng xấu của ngân hàng.
Tuy nhiên hãy ghi nhớ rằng dù đã thanh toán tối thiểu, số dư nợ còn lại của bạn vẫn sẽ tiếp tục bị tính lãi, nên bạn vẫn cần nhanh chóng chi trả phần dư nợ còn lại càng sớm càng tốt.
Mức thanh toán tối thiểu mà các ngân hàng hiện nay quy định dao động từ 2% – 5% tổng dư nợ trong kỳ (tối thiểu là 50.000 đồng). Tuy nhiên, bạn có thể lự chọn thanh toán toàn bộ và đúng hạn số dư nợ của thẻ tín dụng cho ngân hàng. Đây là cách tốt nhất để hạn chế lãi suất phát sinh, tránh các khoản phạt cũng như không bị liệt vào nhóm khách hàng có nợ xấu của ngân hàng
Cách để tránh bị ngân hàng tính lãi?
Thanh toán tự động là phương thức thanh toán đơn giản và tiện lợi, tiết kiệm thời gian mà hầu hết các ngân hàng ngày nay đều áp dụng, để giúp chủ thẻ tín dụng thanh toán đúng hạn sao kê mà không bị tính lãi suất. Khi đăng kí dịch vụ này, ngân hàng sẽ tự động thanh toán (1 phần hoặc toàn bộ tuỳ bạn chọn) số dư nợ trong tài khoản thẻ tín dụng của bạn.
Thông thường, vào ngày sắp đến hạn, ngân hàng sẽ có email, tin nhắn nhắc nhở bạn. Việc này nhằm đảm bảo bạn chuyển đủ tiền vào tài khoản cho ngân hàng trừ vào ngày tới hạn thanh toán. Tới ngày đến hạn thanh toán sao kê, ngân hàng sẽ tự động trích nợ từ tài khoản thanh toán một số tiền tương ứng với tỷ lệ thanh toán mà bạn đăng ký này. Nếu số dư tài khoản bạn không đủ thì sẽ phát sinh lãi, có thể có cả phạt do không đủ số dư để trích nợ.
Điều kiện quan trọng của phương thức này là số dư trong tài khoản thanh toán tự động của bạn phải đảm bảo được mức tiền cần thiết để trả. Nói cách khác, bạn cần duy trì số dư trong tài khoản lớn hơn hoặc bằng với tỷ lệ thanh toán bạn đã đăng ký với ngân hàng.
Trên đây là tổng quan về các khoản phí, phạt cũng như cách tính lãi thẻ tín dụng. Hy vọng là các thông tin ở đây giúp bạn hiểu rõ về những khoản phí có thể phát sinh khi bạn sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách.