Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không nếu nhìn từ khía cạnh tài chính?

  • 26/03/2019

Thường thì người trẻ ít khi quan tâm tới bảo hiểm. Nhưng khi tài chính của bạn bắt đầu ổn định, lập gia đình và có của ăn của để thì khi đó rất nhiều người sẽ bắt đầu quan tâm là không biết có nên mua bảo hiểm nhân thọ hay không. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất tài chính phía sau của một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và qua đó quyết định xem có nên mua hay không.

Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Bảo hiểm nhân thọ có tác dụng gì?

Một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống sẽ bảo hiểm cho bạn trong hai trường hợp là thương tật toàn bộ vĩnh viễn (mất gần như hoàn toàn khả năng lao động) hoặc tử vong. Nếu một trong hai sự kiện này xảy ra trong thời gian bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi cho bạn theo hợp đồng bảo hiểm bạn tham gia.

Tác dụng của quyền lợi bảo hiểm này là vô cùng lớn trong trường hợp có vấn đề bất trắc xảy ra mà bạn lại là lao động chính, trụ cột của gia đình. Và có thể nói đây là ý nghĩa nhân văn nhất của một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài tác dụng này, bảo hiểm nhân thọ còn có thêm một lợi ích khác đó là lợi ích về đầu tư. Nghĩa là nếu sự kiện bảo hiểm không xảy ra thì khi kết thúc hợp đồng bảo hiểm bạn sẽ được nhận lại giá trị đáo hạn của hợp đồng. Đây chính là lợi ích thường được quảng cáo là có tác dụng giống như bạn gửi tiết kiệm ngân hàng vậy. Tuy nhiên, do trong hợp đồng này có quyền lợi là bảo hiểm nên chắc chắn là lãi đầu tư thấp hơn rất nhiều gửi tiết kiệm. Bạn có thể xem tiếp ở phần sau để nắm rõ vấn đề này.

Những ai nên mua bảo hiểm nhân thọ?

Nếu bạn là trụ cột lao động trong gia đình và bạn luôn lo lắng về việc bất trắc có thể xảy đến trong cuộc đời có thể khiến người thân, con cái rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì bạn có thể sẽ cảm thấy cần tham gia bảo hiểm nhân thọ. Ngược lại, nếu như gia đình bạn có tài chính khá vững chắc, ổn định và nếu bất trắc xảy ra cũng không ảnh hưởng nhiều về mặt tài chính đối với người thân trong gia đình thì luôn có những lựa chọn đầu tư khác tốt hơn nhiều so với mua bảo hiểm nhân thọ.

Đầu tư thì có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Lợi ích từ quyền lợi bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ khó có thể đong đếm được. Nhưng nếu bạn đang cân nhắc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ giống như một sản phẩm để tiết kiệm, đầu tư thì bạn cần cân nhắc lại. Vì thực tế là những chiêu marketing, quảng cáo của các công ty bảo hiểm thường ẩn giấu đi những sự thật phía sau là nếu phân tích bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm đầu tư thì đó là một sản phẩm đầu tư vô cùng tồi tệ. Phần dưới đây mình sẽ phân tích so sánh điều này.

Nội dung dưới đây phân tích một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiêu chuẩn của Prudential mà các gia đình thường mua cho con, đóng phí trong 18 năm để sau đó khi con lớn thì có tiền học đại học. Mình chỉ phân tích khía cạnh tài chính (hiệu quả đầu tư) của sản phẩm này. Tóm tắt cơ bản là sản phẩm này đóng phí trong 18 năm. Tới năm thứ 18 bạn có thể rút toàn bộ hợp đồng hoặc tiếp tục duy trì sau đó.

Mức phí bảo hiểm đóng trong 18 năm: Bao gồm phí bảo hiểm cơ bản và khoản tích lũy thêm. Từ năm thứ nhất tới năm thứ 5 bạn phải đóng 40 triệu/năm. Các năm sau đó là đóng 20 triệu/năm. Tổng phí đóng trong 18 năm là: 460.000.000đ (460 triệu đồng).

Mức phí bảo hiểm đóng trong 18 năm

Mức phí bảo hiểm đóng trong 18 năm

Quyền lợi hợp đồng ở năm thứ 18: Quyền lợi hợp đồng của năm thứ 18 phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư của quỹ liên kết chung. Đây là quỹ mà công ty bảo hiểm gom tiền của các hợp đồng bảo hiểm vào để mang đi đầu tư. Sau khi trừ các khoản phí quản lý (theo mình đánh giá là khá cao) sẽ chi trả phần lãi cho các chủ hợp đồng. Ở sản phẩm bảo hiểm này Prudential đưa ra 3 trường hợp hiệu quả có thể đạt được. Trường hợp đầu là lãi ở mức tối thiểu theo cam kết, trường hợp 2 là lãi 5% và trường hợp 3 là 7%. Trong đó trường hợp 3 Prudential ghi chú là "cao" và chỉ mang tính chất minh họa.

Bảng quyền lợi cam kết: Bảng dưới đây có thể sẽ khiến bạn hơi rối. Nhưng bạn chỉ cần chú ý vào cột (5) - Giá trị tài khoản hợp đồng. Ở minh họa này năm thứ 18 chủ hợp đồng rút 50 triệu (cột (4)). Thực tế thì năm thứ 18 bạn có thể rút toàn bộ giá trị hợp đồng ra và dừng hợp đồng bảo hiểm, tức là rút ra được 50 triệu + 437 triệu = 487 triệu đồng. Như vậy là theo mức cam kết này thì bạn đóng 460 triệu trong 18 năm và thu về 487 triệu, lãi 5%.

Quyền lợi theo mức cam kết tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Quyền lợi theo mức cam kết tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Quyền lợi cam kết ở mức 5%: Đây là trường hợp khi quỹ liên kết chung đầu tư hiệu quả thì bạn sẽ được chia lãi và giá trị tài khoản hợp đồng lúc này lớn hơn khá nhiều so với trường hợp tối thiểu trên đây. Tuy nhiên, mức 5% này không phải là mức cam kết và do đó thực tế có thể thấp hơn hoặc cao hơn con số này. Hiệu quả đầu tư từng thời kỳ sẽ được Prudential công bố và bạn có thể tham khảo trên website của họ.

Quyền lợi đầu tư ở mức lãi suất 5%

Quyền lợi đầu tư ở mức lãi suất 5%

Trường hợp này, năm thứ 18 của hợp đồng giá trị bạn thu được sẽ là 620 triệu + 50 triệu = 670 triệu đồng. Để biết con số 670 triệu đồng này là lớn hay bé, mời bạn xem tiếp các hình thức đầu tư khác dưới đây với cùng dòng tiền như vậy trong 18 năm nhé.

So sánh bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm ngân hàng, đầu tư quỹ ETF

Ở góc độ tài chính, muốn đánh giá xem có nên mua bảo hiểm nhân thọ hay không thì cần so sánh lợi ích tài chính của năm cuối hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với gửi tiết kiệm và các hình thức đầu tư khác. Ở thời điểm mình viết bài viết này, Prudential công bố lãi suất đầu tư quỹ liên kết chung là 5%/năm. Trong khi đó lãi suất tiết kiệm khoảng 7% - 8.5%/năm. Mình sẽ so sánh quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm và quyền lợi tiết kiệm  ở mức 5%, 7%; và đầu tư quỹ ETF ở mức lãi khoảng 10%/năm để giúp bạn thấy sự khác biệt mang đến từ lãi suất kép sau 18 năm.

So sánh bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm ngân hàng

So sánh bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm ngân hàng

Ngay cả ở mức hiệu quả đầu tư của hợp đồng BHNT là 5% như mô tả thì thực tế tỷ suất sinh lời của BHNT chỉ đạt 3.36% (IRR). Lý do là một phần phí bạn đóng được tính là khoản phí bảo hiểm rủi ro chứ không phải là tiền đầu tư. Chính vì vậy, ngay cả khi bạn gửi tiết kiệm với mức 5% thì sau 18 năm mức chênh lệch cũng là rất lớn (139 triệu).

So sánh gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm nhân thọ

So sánh gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm nhân thọ

Trong khi đó thực tế ở thời điểm này bạn có nhiều lựa chọn đầu tư hơn rất nhiều và có thể dễ dàng gửi tiết kiệm với mức lãi suất 7%/năm hoặc đầu tư vào quỹ ETF với mức sinh lời trung bình khoảng 10%/năm trong vòng hơn 10 năm qua. Khi đó số tiền chênh lệch giữa mua bảo hiểm nhân thọ và đầu tư là vô cùng lớn.

Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không?

Ở mỗi thời điểm khác nhau, tỷ suất sinh lời của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ thay đổi. Các cơ hội đầu tư thay thế cũng sẽ thay đổi theo. Nói ra điều này để bạn hiểu rằng việc quyết định có nên mua bảo hiểm nhân thọ hay không sẽ phụ thuộc vào các cơ hội đầu tư ở thời điểm bạn cân nhắc.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là tham gia bảo hiểm sẽ tốn các khoản phí vì đó là những khoản để nuôi những bộ máy cồng kềnh có thể lên tới hàng ngàn nhân viên của các công ty bảo hiểm. Chính vì thế, khả năng sinh lời chung của bảo hiểm nhân thọ sẽ khó mà bằng được gửi tiết kiệm. Hiểu được bản chất tài chính phía sau của mỗi hợp đồng bảo hiểm sẽ giúp bạn cân nhắc lợi ích tài chính (bên cạnh các lợi ích bảo hiểm rủi ro) và đưa ra quyết định sáng suốt.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận