Skip to content

Top 10 tiêu chí chọn ngân hàng làm thẻ tín dụng 2021?

Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào?

Thẻ tín dụng ngày nay đã trở thành một công cụ thanh toán cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống. Không những giúp bạn thuận tiện hơn trong mua sắm thường ngày, thẻ tín dụng còn là cứu cánh trong nhiều trường hợp khẩn cấp, ví dụ xem thêm ở bài viết rút tiền thẻ tín dụng qua POS.

Ở Việt Nam số người sở hữu thẻ tín dụng chưa nhiều nhưng đang tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây. Đã có rất nhiều ngân hàng phát hành uy tín trên thị trường như Vietcombank, ACB, Sacombank, Techcombank, Vietinbank, BIDV, TPBank, Citibank, Shinhan Bank, HSBC…Vậy nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào? Nên mở thẻ tín dụng ở đâu thủ tục đơn giản, phí thấp, nhiều ưu đãi…?

Ở bài viết này, mình không đánh giá từng dòng thẻ tín dụng cụ thể nhưng đưa ra 10 tiêu chí giúp bạn chọn ngân hàng phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân để mở thẻ tín dụng. Những tiêu chí này chắc chắn sẽ giúp bạn so sánh, lựa chọn được loại thẻ phù hợp nhu cầu.

Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào?

Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào?

1. Phí thường niên của thẻ tín dụng

Phí thường niên là loại phí được ngân hàng thu hàng năm, với ý nghĩa để duy trì và quản lý thẻ tín dụng. Các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng lớn, hay khi ngân hàng cung cấp cho bạn nhiều tiện ích thì phí thường niên sẽ càng cao.

Phí thường niên cũng thay đổi tuỳ thuộc từng hạng thẻ tín dụng. Phần lớn các dòng thẻ tín dụng hiện nay trên thị trường có mức phí thường niên từ khoảng 100.000đ tới hơn 1 triệu đồng/năm. Trong đó, các dòng thẻ phổ thông, được sử dụng nhiều nhất có mức phí phổ biến là dưới 500.000đ/năm.

Đối với phân khúc phổ thông, phí thường niên thấp là tiêu chí nên được ưu tiên hàng đầu. Ở phân khúc này, bạn nên sử dụng các dòng thẻ tín dụng Visa, Master hạng chuẩn của các ngân hàng với hạn mức tín dụng dao động từ khoảng 50 triệu trở xuống.

Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài bao gồm Citibank, ANZ, HSBC, Standard Chartered Bank là những ngân hàng có phí thường niên cao nhất. Nếu nhu cầu chi tiêu với thẻ tín dụng của bạn không nhiều thì nên ưu tiên làm thẻ tín dụng của các ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, BIDV, Vietinbank…Nhiều ngân hàng trong nước hiện nay còn miễn phí thường niên hàng năm khi bạn đạt một mức chi tiêu tối thiểu cho năm trước đó.

2. Phí phạt và tiền lãi khi bạn quên thanh toán sao kê

Để chọn đúng ngân hàng làm thẻ và để sử dụng thẻ có hiệu quả, bạn cần phải hiểu về cách thức ngân hàng tính ngày đến hạn thanh toán và cách họ tính tính tiền lãi khi bạn trả chậm/ không thanh toán toàn bộ số dư sao kê thẻ tín dụng.

Đầu tiên là cách tính ngày đến hạn thanh toán thẻ tín dụng. Khi bạn quẹt thẻ để mua 1 món hàng, bạn sẽ phải thanh toán trả lại tiền cho ngân hàng, trước ngày mà ngân hàng quy định. Thời gian này phụ thuộc vào ngày mà bạn quẹt thẻ so với ngày mà ngân hàng bắt đầu in sao kê bắt bạn thanh toán.

Ví dụ, ngân hàng A sao kê vào ngày 1 hàng tháng, và cho bạn 15 ngày để bạn thanh toán từ khi nhận được sao kê. Nếu bạn mua hàng vào ngày 30/9, thì bạn sẽ nhận được sao kê vào ngay ngày hôm sau 1/10, và ngày 15/10 bạn phải thanh toán số tiền đó (bạn có tổng cộng 15 ngày từ khi quẹt thẻ).

Nếu bạn mua hàng vào ngày 2/10 – vừa mới qua ngày sao kê của tháng trước, nên ngày 1 tháng sau bạn mới nhận bản sao kê cho giao dịch này – ngày 1/11, và bạn phải thanh toán vào ngày 15/11 (bạn có tổng cộng 45 ngày từ khi quẹt thẻ).

Sao kê thẻ tín dụng hàng tháng sẽ cho bạn biết hạn thanh toán thẻ tín dụng

Sao kê thẻ tín dụng hàng tháng sẽ cho bạn biết hạn thanh toán thẻ tín dụng

Nếu bạn sử dụng thẻ có tính toán, thông thường bạn sẽ có tối đa 45 ngày trước khi phải trả tiền cho ngân hàng. Thời gian này bạn hoàn toàn được nợ ngân hàng miễn phí (không chịu lãi suất). Thực tế thì khi bạn đã sử dụng thẻ rồi bạn sẽ nhận được sao kê thẻ tín dụng hàng tháng. Bạn nên đăng ký nhận sao kê qua email lúc mở thẻ. Như thế thì sẽ dễ dàng kiểm soát việc thanh toán thẻ tín dụng hơn.

Công việc bận rộn đôi lúc có thể khiến bạn quyên thanh toán sao kê thẻ tín dụng. Chính vì vậy, bạn nên chọn hình thức tự động trích nợ tài khoản ngân hàng/ tự động thanh toán thẻ tín dụng khi đến kỳ thanh toán để tránh bị phạt và lãi trả chậm. Lãi trả chậm thẻ tín dụng thường khá cao và phổ biến ở mức lên tới trên 20%/năm đấy. Ngân hàng nào mà có biểu phí phạt trả chậm, lãi trả chậm thấp thì bạn nên cho họ thêm điểm trong việc so sánh, lựa chọn xem nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào.

Khi đến hạn thanh toán sao kê, bạn sẽ có lựa chọn chỉ cần thanh toán 1 phần của số tiền mà bạn đang nợ ghi trên bản sao kê. Số tiền này gọi là số tiền tối thiểu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng của mình thì bạn nên thanh toán toàn bộ số dư khi đến kỳ sao kê, tránh những khoản lãi khủng khiếp từ ngân hàng.

3. Phí rút tiền mặt thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng được sử dụng với mục đích chính là để thanh toán trực tuyến và quẹt thẻ khi mua hàng hóa dịch vụ, chứ không phải để rút tiền mặt. Nên khi rút tiền mặt bạn sẽ phải chịu rất nhiều bất lợi.

Đầu tiên, phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng tại các máy ATM rơi vào vào khoảng 4% – 5% số tiền bạn rút. Nếu bạn rút 10 triệu đồng, bạn đã mất phí 400.000 – 500.000 đồng. Bạn cũng không rút tiền mặt tối đa hạn mức của thẻ được. Thông thường bạn chỉ có thể rút tiền mặt từ 50% – 70% hạn mức thẻ.

Thứ hai, khi rút tiền mặt, nhiều loại thẻ sẽ ngay lập tức tính lãi suất trên số tiền bạn đã rút ra từ máy ATM mà không cần đợi đến ngày sao kê. Mức lãi suất này thường bằng với mức lãi suất khi thanh toán trễ hạn sao kê, khá là cao.

Rút tiền mặt thẻ tín dụng luôn có mức phí rất cao

Rút tiền mặt thẻ tín dụng luôn có mức phí rất cao

Thứ ba, rút tiền mặt sẽ làm giảm điểm tín dụng của bạn. Ngân hàng sẽ đánh giá tình trạng tín dụng của bạn trở nên xấu hơn. Nếu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nhiều lần có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong các hoạt động sau này, như gia tăng hạn mức hay sử dụng các tiện ích của thẻ.

Tuy nhiên, để phù hợp với thị hiếu người Việt vốn rất thích rút tiền mặt, nhiều ngân hàng đã cho ra đời các loại thẻ tín dụng chuyên để rút tiền mặt, như:

  • Thẻ tín dụng FE CREDIT của VP Bank – Phí rút tiền mặt 1.5%, Hạn mức lên đến 60 triệu đồng. Nhưng dĩ nhiên là phần lãi bạn cũng cần lưu ý nếu có ý định rút tiền mặt với thẻ của FE Credit, vốn là đơn vị chuyên cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao.
  • Thẻ tín dụng Vietcombank MasterCard Cội Nguồn – Phí rút tiền mặt 4%, Hạn mức lên đến 150 triệu đồng, và sao kê giống như thanh toán trực tuyến

Ngoài ra, vẫn còn một hình thức rút tiền mặt khác đó là hình thức rút tiền thẻ tín dụng qua máy POS. Hình thức này có ưu điểm là phí rút tiền rất thấp chỉ từ 1,2 – 1,6%, ngoài ra bạn cũng không phải chịu lãi vì giao dịch này được mạo danh là giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ. Tuy vậy, đây là loại giao dịch nhiều rủi ro về bảo mật cũng như chưa có quy định rõ ràng nên có thể phát sinh các vấn đề pháp lý giữa bạn và tổ chức phát hành thẻ.

4. Phí dịch vụ Internet Banking

Sử dụng thẻ tín dụng thường sẽ đi kèm với việc mở một tài khoản thanh toán. Qua tài khoản này bạn có thể tra cứu thông tin thẻ tín dụng như hạn mức, kỳ hạn thanh toán…Vì vậy sẽ phát sinh các loại phí dịch vụ Internet Banking.

Những tiện ích khi sử dụng Internet Banking là: theo dõi thông tin tài khoản (tình trạng tài khoản, sao kê giao dịch), chuyển khoản trực tuyến, thanh toán hoá đơn trực tuyến, mua hàng trực tuyến…Phần phí này mình cũng đã nói khá chi tiết ở việc lựa chọn xem nên làm thẻ ATM ngân hàng nào rồi.

Những phí này bao gồm: Phí duy trì dịch vụ hàng tháng và Phí giao dịch, chuyển tiền…Vì vậy bạn nên ưu tiên mở thẻ tín dụng ở các ngân hàng được miễn phí dịch vụ Internet Banking. Ví dụ nếu bạn mở thẻ của Timo VPBank, bạn sẽ được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng dịch vụ Internet Banking.

5. Khuyến mãi mua sắm cho chủ thẻ

Nắm bắt tâm lý thích mua sắm, trải nghiệm và du lịch của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, các ngân hàng phát hành thẻ thường liên kết nhiều đối tác để mang đến cho khách hàng những khuyến mãi khi mua sắm.

Vì đây là hình thức có lợi cho cả 3 bên: ngân hàng – chủ thẻ – đối tác, nên các chương trình khuyến mãi diễn ra rất thường xuyên. Phần lớn các loại thẻ tín dụng sẽ được hưởng các chương trình khuyến mãi liên quan tới mua sắm trực tuyến, mua sắm tại các khu trung tâm thương mại, nhà hàng ẩm thực, phim rạp. Đối với thẻ cao cấp, các chương trình khuyến mãi có thể là giảm giá các dịch vụ du lịch, vé máy bay, dịch vụ golf.

Hãy cân nhắc các chương trình khuyến mãi xem bên nào có nhiều ưu đãi để mở thẻ phù hợp. Nếu bạn là một tín đồ mua sắm thường xuyên khoảng vài trăm triệu một năm thì bạn nên xem thử những ngân hàng sau:

Có rất nhiều ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi mua sắm

Có rất nhiều ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi mua sắm

Citibank, HSBC, Standard Chartered Bank có những chương trình khuyến mãi như: Tặng đồng hồ thời trang Fossil Limited Edition, Tặng Vali, Tặng xe đạp…khi mở thẻ tín dụng. Những ngân hàng này cũng có nhiều ưu đãi khi bạn mua sắm trực tuyến trên Lazada, Tiki, Shopee…

Ngược lại, nếu bạn mua sắm hàng năm không nhiều thì nên làm thẻ tín dụng ở những ngân hàng có mức phí thường niên bình dân hơn. Đó là những ngân hàng trong nước với nhiều dòng thẻ tín dụng có mức phí chỉ từ 100.000đ/năm.

6. Ưu đãi mua hàng trả góp 0% lãi suất

Mua trả góp cũng là tính năng rất quan trọng của thẻ tín dụng. Nhiều khách hàng mở thẻ tín dụng chỉ để sử dụng tính năng này, đặc biệt là vì nhiều ngân hàng có ưu đãi mua trả góp 0% lãi suất lên tới 12 tháng. Bạn có thể mua xe máy trả góp 0% lãi suất, mua điện thoại trả góp 12 tháng không cần trả trước…

Các ngân hàng thường liên kết với những siêu thị điện máy, cửa hàng trực tuyến lớn như Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Thegioididong.com, PNJ.com.vn, Lazada.vn, Lotte.vn, Tiki.vn, v.v.. để cung cấp cho chủ thẻ ưu đãi trả góp 0% lãi suất qua thẻ tín dụng. Đây là ưu đãi rất lớn, tính ra có thể giúp bạn tiết kiệm tới 3% giá trị hàng hóa mà bạn mua.

Nếu bạn hay mua các mặt hàng giá trị lớn như đồ gia dụng công nghệ thì nên cân nhắc dòng thẻ này. Khi mở thẻ tín dụng bạn cần tìm hiểu xem loại thẻ đó có cung cấp ưu đãi mua hàng trả góp 0% hay không và ưu đãi áp dụng với những siêu thị điện máy, cửa hàng nào. Thẻ uy tín nhất để mua hàng trả góp cho phân khúc phổ thông hiện giờ có lẽ là các thẻ của ngân hàng VPBank, VIB, Sacombank, ACB, HSBC.

7. Lợi ích tích điểm khi sử dụng thẻ

Nhiều loại thẻ tín dụng có chương trình tích điểm, khi bạn đạt được đủ số điểm nào đó thì có thể đổi điểm nhận quà hoặc đổi điểm sang để được miễn phí thường niên (như thẻ HSBC chẳng hạn).

Thẻ tín dụng hoàn tiền và tích điểm luôn là lựa chọn hàng đầu khi mở thẻ

Thẻ tín dụng hoàn tiền và tích điểm luôn là lựa chọn hàng đầu khi mở thẻ

Ví dụ thẻ tín dụng Citibank Reward: Mỗi 1,000 đồng bạn sử dụng tương đương với 1 điểm. Ngoài ra bạn còn được thưởng 25,000 điểm khi kích hoạt thẻ, 10,000 điểm trong tháng nếu chi tiêu hơn 6 triệu, 25,000 điểm vào tháng sinh nhật. Khi đủ điểm bạn có thể đổi lấy quà từ Thẻ điện thoại 100k/Vé xem phim (35,000 điểm) đến iPad Mini 16Gb (3.3 triệu điểm).

Về cơ bản thì các phần quà này không dễ đạt được đâu. Những món quà tiền triệu thường phải tương đương với số điểm chi tiêu tới cả hàng trăm triệu. Tuy vậy, có tích điểm vẫn hơn loại thẻ không có tích điểm phải không nào? Hiện nay, các ngân hàng nội cũng có rất nhiều chương trình tích điểm mà bạn nên đọc kỹ trước khi mở thẻ. Một số ngân hàng có chương trình tích điểm tốt thời điểm này là Citibank, HSBC, VIB, TPBank.

8. Nên làm thẻ tín dụng hoàn tiền

Hoàn tiền là một hình thức khuyến mãi khi mua sắm, mang lại lợi ích trực tiếp nhất cho chủ thẻ tín dụng. Ví dụ như thẻ VPLady của VPBank, có chương trình hoàn tiền 5% cho các chi tiêu Giáo dục, Bảo hiểm và Y tế. Nghĩa là khi sử dụng thẻ để thanh toán, ngân hàng sẽ ghi nhận xem đơn vị chấp nhận thẻ có mã ngành thuộc 3 ngành trên không. Nếu thuộc 3 ngành trên, thì thẻ sẽ tự động hoàn 5% tiền giao dịch cho bạn.

Thông thường các dòng thẻ hoàn tiền đều có hạn mức hoàn tiền tối đa nhất định mỗi tháng. Nhưng rõ ràng đây là một chương trình rất hay. Ngay cả thẻ VPBank hay Citibank dù có hạn mức hoàn tiền mỗi tháng thì mỗi năm bạn cũng có thể được hoàn tiền tối đa lên tới 7,2 triệu đồng.

Nếu có lựa chọn, bạn nên chọn dòng thẻ có chế độ hoàn tiền ở những lĩnh vực mà bạn hay tiêu xài. Ví dụ ai hay đi du lịch thì nên ưu tiên dòng thẻ hoàn tiền có tỷ lệ % lớn với các chi tiêu du lịch/ chi tiêu ở nước ngoài.

Nếu đi du lịch thường xuyên bạn nên làm dòng thẻ hoàn tiền nhiều với các chi tiêu du lịch

Nếu đi du lịch thường xuyên bạn nên làm dòng thẻ hoàn tiền nhiều với các chi tiêu du lịch

Ví dụ nếu bạn là người trẻ, thích mua sắm, ăn uống và xem phim, bạn có thể chọn: Thẻ tín dụng VP Bank StepUP. Thẻ hoàn tiền 5% cho Bảo hiểm, hoàn tiền 5% cho mua sắm online lĩnh vực thời trang, công nghệ, sách báo, hoàn tiền 2% cho chi tiêu ăn uống, xem phim.

Nếu bạn hay đi du lịch, thích trải nghiệm, bạn có thể chọn: Thẻ tín dụng VIB Double Cashback. Thẻ này có chương trình hoàn tiền 2 lần, 1 lần khi bạn chi tiêu và 1 lần khi bạn thanh toán sao kê. Các lĩnh vực hoàn tiền rất phù hợp cho dân hay đi nước ngoài, như: hoàn tiền 10% cho chi tiêu ăn uống tại nước ngoài, 5% cho chi tiêu khách sạn, vé máy bay, tour du lịch.

9. Thủ tục làm thẻ tín dụng có phức tạp hay không

Thẻ tín dụng (credit) có quy trình mở thẻ phức tạp hơn thẻ ghi nợ (debit) khá nhiều, vì tính chất thẻ giống như việc ngân hàng cho bạn vay một khoản tín chấp, miễn lãi lên tới 45 ngày bất cứ khi nào bạn cần. Dĩ nhiên ngân hàng cũng có lợi trong cuộc chơi nay, bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết Thẻ tín dụng là gì?

Thông thường khi mở thẻ tín dụng bạn phải chứng minh thu nhập (tín chấp), hoặc chứng minh thế chấp.

Cách phổ biến nhất để chứng minh thu nhập là qua hợp đồng lao động và sao kê tài khoản lương. Số tiền lương bạn nhận được mỗi tháng sẽ quyết định bạn được mở thẻ loại nào, hạn mức tín dụng tối đa là bao nhiêu. Nếu bạn không được nhận lương bằng chuyển khoản, thủ tục sẽ phức tạp hơn 1 chút và sẽ có khác biệt tùy theo từng ngân hàng.

Ngoài ra, bạn có thể chứng minh tài chính bằng cách mở sổ tiết kiệm ở ngân hàng làm thẻ. Số tiền này vẫn được tính lãi bình thường nhưng có thể sẽ bị phong tỏa trong quá trình bạn đang sử dụng thẻ tín dụng.

Ngoài ra, còn 1 cách nữa để mở thẻ tín dụng. Đó là mở thẻ tín dụng phụ dựa trên thẻ tín dụng chính của 1 người thân của bạn. Nếu bạn có “xù” thì ngân hàng sẽ “đòi tiền” thẻ chính. Trường hợp này bạn sẽ mở một thẻ tín dụng phụ “ăn theo” thẻ tín dụng chính của người thân trong gia đình.

Đa số các ngân hàng hiện nay đều có bộ phận chăm sóc khách hàng rất chu đáo khi bạn ngỏ lời muốn mở thẻ tín dụng. Hãy nêu tình trạng thu nhập, gia đình và nhu cầu của bạn, họ sẽ tư vấn cho bạn nên mở thẻ nào. Chỉ trong 3 – 5 ngày là bạn đã có thể sở hữu thẻ và tiêu dùng qua thẻ.

Ngoài ra, vẫn còn một số hình thức mở thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập khác nữa. Nhưng bản chất thì vẫn là một cách phải chứng minh tài chính ví dụ mở thẻ tín dụng dựa trên thẻ ngân hàng khác, mở thẻ dựa trên sổ bảo hiểm, mở thẻ dựa trên đăng ký xe ô tô.

10. Tính năng bảo mật

Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ không phải cần quá lo lắng về tình trạng kinh doanh của ngân hàng như khi gửi tiền tiết kiệm. Vì nếu ngân hàng có phá sản, bạn cũng chẳng mất gì.

Tuy nhiên, bạn nên quan tâm tới tình trạng bảo mật thông tin của ngân hàng. Đối với thẻ tín dụng, các thông tin thẻ (Số thẻ, Tên chủ thẻ, Ngày hết hạn) và mã CVV/CVC là cực kỳ quan trọng. Một ai đó có đủ thông tin này có thể dễ dàng sử dụng gian lận thẻ của bạn.

Vì vậy, hãy chọn những loại thẻ có sử dụng bảo mật bằng OTP 2 lớp mỗi khi thanh toán. Khi thực hiện giao dịch, ngân hàng sẽ gửi mã OTP về điện thoại bạn để xác nhận. Và hãy gọi lên ngân hàng báo cáo ngay khi có mã OTP được gửi đến điện thoại khi bạn không thanh toán gì.

Một số ngân hàng đã trang bị thêm những công nghệ hiện đại, giúp đảm bảo bảo mật cho khách hàng. Ví dụ Ngân hàng VIB: Công nghệ 3-D secure – Một công nghệ mã OTP, và Công nghệ Self Service – Giúp bạn theo dõi mọi hoạt động của thẻ qua điện thoại; Ngân hàng VPBank cũng sử dụng công nghệ 3-D secure để tạo OTP…

Kết luận nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào? 

Ở Việt Nam hầu hết các ngân hàng tầm trung và lớn đều có cung cấp dịch vụ làm thẻ tín dụng. Phần lớn các loại thẻ tín dụng phổ biến trên thị trường hiện nay là các loại thẻ Visathẻ MasterCard. Để chọn được loại thẻ tín dụng phù hợp với mình, bạn phải bỏ một chút thời gian để xác định hoàn cảnh và nhu cầu của bạn.

Những tiêu chí trên là những tiêu chí đáng cân nhắc khi muốn mở thẻ tín dụng. Chúc bạn chọn được ngân hàng và loại thẻ phù hợp với mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *