Nên làm thẻ Visa của ngân hàng nào năm 2021?

  • 12/02/2020

Thông thường thì mọi người sẽ không có nhu cầu sử dụng thẻ Visa cho tới khi có nhu cầu đi du lịch. Hiện nay, khi đi du lịch thì việc đặt vé máy bay hay khách sạn thì thanh toán bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Master) là tiện lợi nhất. Đặc biệt là hai dịch vụ đặt khách sạn lớn nhất thế giới là Booking.com và Agoda.com mới chỉ hỗ trợ các loại thẻ thanh toán quốc tế chứ chưa hỗ trợ thẻ ATM. Chính vì thế câu hỏi nên làm thẻ Visa của ngân hàng nào được nhiều người quan tâm. Và bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Nên làm thẻ Visa ngân hàng nào?

Nên làm thẻ Visa ngân hàng nào?

Hai loại thẻ Visa bạn cần biết

Khi làm thẻ Visa thì điều đầu tiên bạn cần chú ý là thẻ Visa có hai loại. Một loại là thẻ ghi nợ quốc tế Visa và một loại là thẻ tín dụng Visa. Nói đơn giản thì thẻ ghi nợ quốc tế Visa khá giống thẻ ATM nhưng có thể sử dụng để thanh toán trên khắp thế giới vì thẻ này đã được liên kết với tổ chức trung gian thanh toán là Visa.

Thẻ ghi nợ Visa thì bạn được tiêu tiền mình nạp vào tài khoản. Nếu tài khoản hết tiền thì phải nạp tiếp mới quẹt thẻ được. Thẻ tín dụng thì thoải mái hơn, bạn có thể tiêu tiền trước và trả ngân hàng sau. Tuy nhiên, mở thẻ tín dụng quốc tế Visa phức tạp hơn nhiều so với thẻ ghi nợ quốc tế Visa. Bài này mình chỉ nói tới thẻ ghi nợ quốc tế Visa thôi, thẻ tín dụng bạn có thể xem thêm bài viết nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất.

Thủ tục làm thẻ ghi nợ quốc tế Visa

Thẻ ghi nợ quốc tế Visa là loại thẻ mà rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đều có. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, Techcombank, VPBank, ACB, SCB...đều có đa dạng nhiều dòng thẻ ghi nợ quốc tế Visa khác nhau để bạn lựa chọn. Thủ tục mở thẻ ghi nợ quốc tế Visa rất đơn giản vì đây là dòng thẻ không yêu cầu bạn phải chứng minh tài chính. Bạn mở thẻ, sau đó chuyển tiền vào tài khoản là có thể dùng thẻ để thanh toán online, mua sắm...

Thủ tục làm thẻ ghi nợ quốc tế Visa rất đơn giản. Bạn chỉ cần mang theo CMTND tới bất kỳ chi nhánh nào của ngân hàng có phát hành thẻ Visa là có thể đăng ký được. Thẻ này còn có đầy đủ các chức năng của thẻ ghi nợ nội địa nên có thể dùng để rút tiền, giao dịch ở các máy ATM như thẻ ATM thông thường.

Phí khi sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Visa

Khi sử dụng thẻ ghi nợ Visa, bạn sẽ cần đăng ký mở một tài khoản tại ngân hàng (lúc đăng ký mở thẻ). Tài khoản này liên kết với thẻ Visa để bạn có thể nộp tiền vào hoặc rút ra, thanh toán khi sử dụng thẻ. Vì vậy khi sử dụng thẻ Visa sẽ phát sinh một số khoản phí như: Phí duy trì tài khoản, phí dịch vụ internet banking, phí dịch vụ SMS thông báo biến động số dư, phí thường niên thẻ Visa...Tùy theo ngân hàng, tổng các khoản phí này mỗi năm dao động từ khoảng 100.000 - 500.000đ. Ngoài ra, mỗi khi rút tiền hay chuyển khoản có thể sẽ phát sinh thêm phí tùy từng ngân hàng.

Một số khoản phí khi sử dụng thẻ ghi nợ Visa

Một số khoản phí khi sử dụng thẻ ghi nợ Visa

Tuy nhiên, khi bạn quẹt thẻ thực hiện các giao dịch thanh toán mua sắm thì sẽ không bị mất phí. Nếu điểm bán hàng nào thu phí khi bạn quẹt thẻ thì bạn có thể báo lại lên ngân hàng, ngân hàng sẽ có các chế tài xử lý phạt các điểm quẹt thẻ có thu phí của khách hàng.

Nên làm thẻ Visa của ngân hàng nào?

Để trả lời câu hỏi nên làm thẻ Visa của ngân hàng nào thì có một yếu tố mình thấy quan trọng hàng đầu đó là vấn đề về phí. Sử dụng một thẻ ghi nợ Visa như mình nói ở trên mỗi năm sẽ phát sinh phí từ khoảng 100.000đ - 500.000đ, thậm chí là hơn nếu bạn hay phải giao dịch rút tiền, chuyển khoản...Vì vậy, trước khi mở thẻ Visa bạn cần cân nhắc xem hiện tại bạn đã có tài khoản ngân hàng chưa? Nếu đã có tài khoản ngân hàng một ngân hàng nào đó rồi và đang nhận lương ở đó thì có lẻ lựa chọn hàng đầu là nên mở thẻ Visa của ngân hàng mà bạn đang có tài khoản nhận lương cho thuận tiện.

Nếu bạn chưa từng mở tài khoản ngân hàng ở bất cứ đâu hoặc sẵn sàng đóng các tài khoản ngân hàng đang sử dụng để lựa chọn được thẻ Visa tốt nhất thì theo kinh nghiệm cá nhân của mình bạn nên ưu tiên các ngân hàng tư nhân. Hiện nay, các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, TPBank, ACB...có dịch vụ khách hàng ngày càng vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank). Những ngân hàng tư nhân này mình thấy quy trình tinh gọn, công nghệ của họ hiện đại hơn các ngân hàng nhà nước nên khi giao dịch ở các chi nhánh bạn sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều, không phải chờ lâu như khi ra Vietcombank.

Về phí thì nhìn chung các ngân hàng tư nhân ngày càng giảm phí cho khách hàng. Họ cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí (ví dụ Techcombank, TPBank...miễn hoàn toàn phí các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng qua internet banking/ mobile banking). Các dịch vụ có thu phí thì mặt bằng chung ngân hàng tư cũng thu phí thấp hơn các ngân hàng nhà nước. Dùng một vài năm bạn sẽ thấy mình sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Như mình đã từng dùng dịch vụ thẻ của Vietinbank, Vietcombank, BIDV...Nhưng giờ đã đóng hết tài khoản các ngân hàng nhà nước và chuyển sang dùng VIB với VPBank để được miễn phí chuyển khoản, miễn phí rút tiền ATM liên ngân hàng. Bạn có thể xem thêm bài viết nên làm thẻ ATM ngân hàng nào tốt nhất hiện nay.