Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất hiện nay 2021?

  • 31/10/2019

Để trả lời câu hỏi nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất hiện nay thì bạn sẽ phải quay lại trả lời hai câu hỏi chính. Thứ nhất là quyền lợi của thẻ tín dụng bạn định mở là gì và nó có hơn gì so với các loại thẻ tín dụng khác? Thứ hai là các khoản chi phí sẽ phát sinh khi sử dụng thẻ tín dụng. Nếu như bạn luôn thanh toán nợ, sao kê thẻ tín dụng đúng hạn thì vẫn có các khoản phí thường niên, phí sử dụng dịch vụ tài khoản ngân hàng nơi bạn mở thẻ. Vì vậy, để biết được nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào bạn sẽ cần đi chi tiết vào các vấn đề sau.

Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào?

Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào?

Các loại phí khi sử dụng thẻ tín dụng

Sử dụng thẻ tín dụng là sử dụng dịch vụ của ngân hàng phát hành. Tùy theo chính sách của từng ngân hàng, sự hấp dẫn của sản phẩm mà ngân hàng sẽ tính các khoản phí khi bạn sử dụng thẻ tín dụng. Trong đó có những loại phí bạn có thể tránh được và những loại phí bạn sẽ không thể tránh được. Mình sẽ bắt đầu với các loại phí mà bạn sẽ không thể tránh được trước nhé.

Phí thường niên

Một số ngân hàng thường có khuyến mãi miễn phí thường niên/ hoàn phí thường niên năm đầu cho chủ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi bạn sẽ phải trả khoản phí này. Tùy từng dòng thẻ mà mức phí thường niên dao động từ khoảng 100.000đ/năm (với một số loại thẻ tín dụng hạng chuẩn của Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) tới 1,5 triệu đồng/năm như ở các dòng thẻ của Citibank, Standard Chartered Bank.

Phí liên quan tới tài khoản thanh toán

Thường thì khi mở thẻ tín dụng, bạn sẽ được yêu cầu/mời mở thêm cả tài khoản thanh toán nữa. Lý do là để thuận tiện cho việc thanh toán thẻ tín dụng hàng tháng. Nếu bạn muốn đăng ký dịch vụ thanh toán số dư tự động hàng tháng thì không còn cách nào khác là phải mở tài khoản để hàng tháng chuyển tiền vào đó cho ngân hàng trừ nợ.

Và khi sử dụng tài khoản thanh toán thì sẽ phát sinh các khoản phí dịch vụ liên quan. Ví dụ như ở Vietcombank một tài khoản thanh toán sẽ mất các khoản phí quản lý tài khoản (2.200đ/tháng), phí dịch vụ internet banking (11.000đ/tháng). Nếu bạn đăng ký dịch vụ SMS thông báo biến động số dư sẽ mất thêm 11.000đ/tháng...

Các loại phí thẻ tín dụng mà bạn có thể tránh

Ngoài hai mục phí ở trên là không thể tránh thì ngân hàng còn có biểu phí với rất nhiều khoản phí khác mà bạn có thể tránh được trong quá trình sử dụng. Và lời khuyên của mình là bạn nên tránh các khoản phí này vì chúng đều là những khoản phí rất đắt đỏ.

Thứ nhất là lãi suất trả chậm: Lãi suất trả chậm thẻ tín dụng luôn lên tới vài chục phần trăm mỗi tháng. Vì vậy, bạn hãy nhớ là luôn thanh toán sao kê thẻ tín dụng đúng hạn. Tốt nhất nên đăng ký dịch vụ trích nợ tự động tài khoản thanh toán để ngân hàng tự trừ tiền thanh toán thẻ khi tới hạn. Làm như thế bạn cũng sẽ không bị phạt trả chậm khi lỡ quên thanh toán sao kê.

Phí rút tiền mặt: Luôn là một khoản phí đắt đỏ tối thiểu vài chục nghìn mỗi lần rút tiền và tối đa có thể lên tới 3-5% số tiền bạn rút. Vì vậy, sử dụng thẻ tín dụng bạn đừng rút tiền mặt, ngoại trừ việc rút tiền mặt thẻ tín dụng qua máy POS. Đây là cách làm lách luật mà nhiều người vẫn dùng khi cần.

Phí khóa thẻ, mất thẻ, tra soát giao dịch: Sử dụng thẻ tín dụng có thể bạn sẽ phát sinh những khoản phí này và cả những khoản phí khác nữa. Tùy theo ngân hàng mà các khoản phí, mức phí sẽ khác nhau. Hãy luôn đọc kỹ các loại phí trước khi quyết định mở thẻ của bất kỳ ngân hàng nào.

Phí quản lý, chuyển đổi giao dịch ngoại tệ: Mặc dù thẻ tín dụng rất tiện lợi trong quá trình bạn đi du lịch nước ngoài vì có thể quẹt thẻ ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, phí quản lý các giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ không hề rẻ và nhiều ngân hàng thu tới 3-4% cho mỗi giao dịch. Vì vậy khi đi du lịch nước ngoài bạn nên hạn chế quẹt thẻ và nhớ đổi sẵn phần lớn tiền ngoại tệ ở Việt Nam trước nhé.

Những lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng

Sử dụng thẻ tín dụng luôn có những lợi ích rất lớn nếu bạn biết tận dụng. Sự tiện lợi chỉ là một phần mà bên cạnh đó còn có những lợi ích thiết thực về mặt tài chính khi bạn sử dụng thẻ tín dụng trong chi tiêu.

Chi tiêu miễn lãi: Thời gian miễn lãi có thể lên tới 45 - 55 ngày tùy theo từng dòng thẻ. Với những ai quản lý dòng tiền tốt thì thẻ tín dụng chính là khoản vay không phải trả lãi mà ngân hàng cho bạn vay trên cơ sở tín chấp.

Nhiều khuyến mãi mua sắm: Nếu bạn là người thường xuyên mua sắm trực tuyến thì sẽ thấy rằng có rất nhiều chương trình ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi mua sắm online. Các chương trình giảm giá bao gồm giảm trực tiếp trên giá trị đơn hàng hay trả góp 12 tháng 0% lãi suất. Chỉ cần tận dụng được một vài chương trình mỗi năm là bạn yên tâm có thể hòa vốn với các chi phí bỏ ra khi dùng thẻ tín dụng.

Nhiều ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi mua sắm trực tuyến

Nhiều ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng khi mua sắm trực tuyến

Chi tiêu được hoàn tiền: Những năm gần đây đang có một xu hướng dịch chuyển mới ở các dòng thẻ tín dụng. Đó là sự lên ngôi của các dòng thẻ tín dụng hoàn tiền (Cashback). Những dòng thẻ tín dụng này mang lại cực kỳ nhiều lợi ích vì bạn sẽ được hoàn tiền theo tỷ lệ % cho mỗi hoạt động mua sắm khác nhau, đôi khi khá lớn. Nếu bạn cân nhắc khéo léo và chọn đúng dòng thẻ phù hợp với thói quen tiêu dùng của mình thì số tiền hoàn mỗi năm có thể lên tới cả chục triệu đồng.

Quyền lợi hoàn tiền các dòng thẻ tín dụng VPBank

Quyền lợi hoàn tiền các dòng thẻ tín dụng VPBank

Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất hiện nay?

Nói về các vấn đề quyền lợi cũng như phí sử dụng thẻ tín dụng. Bây giờ mình quay lại với chủ đề chính là nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất hiện nay? Phần này mình sẽ dành nội dung nói tới phần lớn khách hàng là những người dùng phổ thông với nhu cầu chi tiêu qua thẻ hàng tháng là dưới 50 triệu đồng nhé. Với những ai chi tiêu qua thẻ trên 50 triệu (và có nhiều tiền tiết kiệm) thì có rất nhiều lựa chọn khi trở thành khách hàng VIP của các ngân hàng.

Thẻ tín dụng ngân hàng Citibank, HSBC, Standard Chartered Bank

Những ngân hàng nước ngoài này luôn có các chương trình khuyến mãi mở thẻ cực kỳ hấp dẫn. Các chương trình tặng E-Voucher lên tới 3,5 triệu hay quà tặng vali du lịch, đồng hồ thông minh...luôn là những món quà cực kỳ hấp dẫn và là mồi nhử hoàn hảo để thu hút khách hàng mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, có nên mở thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài này hay không?

Với phần lớn khách hàng là người tiêu dùng phổ thông, mình khuyên là bạn không nên mở thẻ tín dụng ở các ngân hàng này. Lý do chính là vấn đề phí sử dụng thẻ tín dụng.

Biểu phí sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng này luôn cao chót vót và gấp nhiều lần các ngân hàng nội. Trước tiên là phí thường niên không hề rẻ, sau đó là đến đủ các loại phí khác cũng được tính theo bảng giá "ngoại" không sớm thì muộn cũng sẽ khiến bạn chóng mặt mà thôi. Để thực chứng điều này, bạn cứ tìm hiểu thử biểu phí của họ trước khi quyết định nhé. Quà tặng khuyến mãi mở thẻ trông thì hấp dẫn nhưng là mật ngọt chết ruồi đấy.

Thẻ tín dụng ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank

Những ngân hàng này được gọi là Big 4 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Họ là 4 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất hiện nay trên thị trường. Những ngân hàng này có lợi thế là có lượng khách hàng gửi tiền lớn nên cũng triển khai rất nhiều dòng thẻ tín dụng khác nhau. Đặc điểm chung của các ngân hàng này là các dòng thẻ tín dụng không có nhiều khác biệt.

Ưu điểm lớn nhất là thẻ tín dụng hạng chuẩn của Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank đều có mức phí thường niên khá là phải chăng. Vì vậy, nếu bạn không dùng thẻ tín dụng thường xuyên và mỗi tháng chỉ tiêu khoảng dưới 10 triệu với thẻ tín dụng thì đây là những ngân hàng rất đáng để bạn cân nhắc nhờ mức phí rẻ.

Tuy có dịch vụ thẻ tín dụng với phí thường niên hấp dẫn, các ngân hàng này lại không có lợi thế để bạn mở tài khoản thanh toán. Tức là theo mình thì bạn chỉ nên mở thẻ tín dụng ở các ngân hàng này nhưng không nên mở tài khoản ở Vietcombank, BIDV, Vietinbank hay Agribank để quản lý tiền, quản lý tài chính cá nhân. Lý do là những ngân hàng này thu rất nhiều loại phí và thu phí cao với tài khoản thanh toán, dịch vụ internet banking, dịch vụ chuyển tiền, phí mobile banking...Mình đã viết một bài là nên mở thẻ, tài khoản ở ngân hàng nào tốt nhất. Bạn có thể đọc sẽ thấy có nhiều lựa chọn mở tài khoản miễn các loại phí tốt hơn là VCB, BIDV, Vietin, Agribank trên thị trường.

Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng là những ngân hàng có lãi suất tiết kiệm rất thấp. Mức lãi suất gửi tiền ở các ngân hàng này khiến bạn thiệt hại rất lớn (ví dụ 9% so với 7% là chênh nhau 28% tiền lãi gửi tiết kiệm mỗi năm). Bạn gửi 100 triệu vào VCB cuối năm thu lãi 7 triệu. Trong khi gửi SCB chẳng hạn có thể thu về 9 triệu tiền lãi. Mức chênh lãi là 2/7 = 28%. Vì vậy, nếu gửi tiết kiệm đừng gửi ở các ngân hàng nhà nước.

Thẻ tín dụng VPBank, VIB, Techcombank, ACB...

Những ngân hàng tư nhân đang ngày càng trở nên vượt trội hơn so với các ngân hàng nhà nước trong dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh dịch vụ thẻ tín dụng thì những ngân hàng này cung cấp cả giải pháp quản lý dòng tiền cực tốt. Ví dụ họ có các gói dịch vụ miễn hoàn toàn phí chuyển tiền (VIB, Techcombank...) khi bạn duy trì số dư tối thiểu trung bình tài khoản thanh toán hàng tháng khoảng vài triệu đồng. Hay ngân hàng số Timo của VPBank còn miễn hoàn toàn các loại phí.

Lãi suất tiết kiệm (bao gồm cả mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến) ở các ngân hàng này luôn cao hơn nhóm Big 4. Chính vì thế mà mở tài khoản ở những ngân hàng tư nhân này luôn là lựa tốt hơn so với các ngân hàng nhà nước.

Thẻ tín dụng VPBank hay VIB có những dòng thẻ tín dụng hoàn tiền với mức hoàn tiền không hề thua kém thẻ của Citibank mà mức phí thường niên thấp hơn rất nhiều. Nếu bạn chi tiêu nhiều với thẻ tín dụng thì hãy mở thẻ tín dụng hoàn tiền. Tùy vào thói quen chi tiêu mà bạn nên chọn dòng thẻ phù hợp cho mình. Ví dụ dưới đây là tỷ lệ hoàn tiền các dòng thẻ tín dụng của VPBank.

Mở thẻ tín dụng hoàn tiền là có lợi nhất

Mở thẻ tín dụng hoàn tiền là có lợi nhất

Hy vọng là qua bài viết này bạn đã có được cái nhìn bao quát nhất để trả lời câu hỏi nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất hiện nay và chọn được cho mình một sản phẩm thẻ tín dụng phù hợp nhất với nhu cầu và thói quen chi tiêu, mua sắm của bản thân.

5 1 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận