Trong các loại thẻ ngân hàng hiện nay có thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng. Thẻ ghi nợ thì có thể được chia ra là thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế. Vậy thẻ ghi nợ là gì? So sánh thẻ này với thẻ ghi nợ quốc tế thì nên mở loại thẻ nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời vấn đề này.
Thẻ ghi nợ là gì?
Thẻ ghi nợ (hay còn được gọi Debit Card) là một loại thẻ ngân hàng có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán, rút tiền, chuyển tiền,…Khi bạn thực hiện giao dịch, tiền sẽ bị trừ trực tiếp vào tài khoản của bạn tại ngân hàng phát hành thẻ. Hay nói cách khác, để dùng thẻ ghi nợ bạn sẽ cần nạp tiền vào tài khoản ngân hàng.
Phân loại thẻ ghi nợ: Có hai loại thẻ ghi nợ là thẻ ghi nợ nội địa (phổ biến ở Việt Nam là các loại thẻ ATM) và thẻ ghi nợ quốc tế – phổ biến là thẻ ghi nợ Visa Debit, MasterCard Debit Card.
Thẻ ghi nợ là gì?
Thẻ ghi nợ nội địa là gì?
Thẻ ghi nợ nội địa ở Việt Nam thường được hiểu là thẻ ATM thông thường. Đây là loại thẻ ghi nợ (Debit Card) cho phép bạn sử dụng các tính năng thanh toán, mua sắm, rút tiền, chuyển tiền…trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Nếu bạn ra nước ngoài thì sẽ không sử dụng được loại thẻ này.
Là thẻ ghi nợ, bạn phải nạp tiền vào tài khoản bằng trước khi sử dụng và cũng chỉ có thể chi tiêu tối đa số tiền mà bạn đã nạp vào thẻ. Khi tài khoản liên kết với thẻ hết tiền, bạn sẽ phải nạp tiền/ chuyển tiền vào trước khi sử dụng tiếp.
Một trong những điều khiến nhiều người không hài lòng là loại thẻ này thường bị yêu cầu duy trì số dư tối thiểu. Số dư tối thiểu này dao động tùy ngân hàng, ví dụ như đối với ACB, số dư tài khoản phải trên 100,000 đồng, trong khi một số ngân hàng khác cho phép mức 50,000 đồng.
Khi rút tiền mặt từ thẻ ghi nợ nội địa tại các cây ATM thuộc hệ thống ngân hàng phát hành thẻ, bạn sẽ chịu mức phí từ 1.000 – 3.000 đồng. Phí này sẽ cao hơn đối với các ATM khác hệ thống ngân hàng.
Thẻ ghi nợ nội địa (ATM) hiện nay hầu hết đều là thẻ từ
Cấu tạo: Thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) hiện nay hầu hết đều là thẻ từ. Loại thẻ này không có con chíp mà chỉ có một lớp dải băng từ màu đen ở mặt sau của thẻ. Loại thẻ này kém bảo mật hơn các dòng thẻ chip và dễ bị làm giả hơn rất nhiều. Hiện nay, hình thức đánh cắp thông tin và làm giả thẻ ATM phổ biến là hình thức kẻ xấu gắn thiết bị vào khe đọc thẻ ATM ở các cây ATM. Thông tin thẻ bị thu thập sau đó thẻ sẽ bị làm giả để rút trộm tiền của chủ thẻ.
Thẻ ghi nợ quốc tế là gì?
Khác với thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế có đầy đủ chức năng của một thẻ ATM và thêm chức năng thanh toán ở nước ngoài. Đặc điểm này đặc biệt hữu dụng khi bạn có nhu cầu chi tiêu thường xuyên trong các đợt du lịch, công tác ở các quốc gia khác.
Nhờ vào phạm vi sử dụng toàn cầu, chủ thẻ ghi nợ quốc tế có thể, thanh toán quẹt thẻ, rút ngoại tệ nhanh tại ATM ở hàng triệu điểm giao dịch trên thế giới. Dĩ nhiên quá trình rút ngoại tệ này sẽ phát sinh phí dịch vụ khá cao nếu so sánh với mua ngoại tệ ở thị trường chợ đen ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
Thẻ ghi nợ quốc tế tại Việt Nam hiện nay được các ngân hàng trong nước hợp tác cùng một tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Master, JCB hay American Express phát hành. Khi dùng loại thẻ quốc tế này, bạn sẽ mất một khoản phí duy trì thẻ hằng năm nhưng thường không quá cao, phổ biến ở mức 100.000đ – 200.000đ đối với hạng thẻ thường. Ngoài ra, chủ thẻ ghi nợ quốc tế thường được hưởng các ưu đãi từ ngân hàng và chương trình tích điểm khi mua sắm, tiêu dùng rất hấp dẫn.
Thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng thường là thẻ chip (Có con chip ở mặt trước)
Cấu tạo: Thẻ ghi nợ quốc tế thường là các dòng thẻ chíp. Dòng thẻ này có tính bảo mật cao hơn so với thẻ ghi nợ nội địa. Nếu bạn dự định mở một loại thẻ ghi nợ thì nên mở thẻ ghi nợ quốc tế vì khả năng sử dụng được đa dạng hơn, bao gồm cả việc mua hàng trực tuyến trên các website nước ngoài.
Ưu nhược điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
Ưu điểm lớn nhất là về phạm vi sử dụng. Thẻ ATM chỉ dùng được trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, thẻ ghi nợ quốc tế có thể sử dụng được ở cả trong và ngoài nước. Chủ thẻ ghi nợ (cả nội địa và quốc tế) đều có thể rút tiền, thanh toán tại hàng triệu máy ATM và điểm quẹt thẻ trong khắp lãnh thổ Việt Nam mà không gặp khó khăn gì.
Tuy vậy, số lượng các điểm mua bán và website chấp nhận thẻ ghi nợ quốc tế lớn hơn rất nhiều so với thẻ ATM. Cũng từ đó, các ưu đãi giảm giá và tích điểm của các đơn vị trong và ngoài nước áp dụng cho thẻ ghi nợ quốc tế cũng phong phú và rộng rãi hơn thẻ ATM rất nhiều. Có thể kết luận, thẻ thanh toán quốc tế có được mọi tính năng và ưu đãi mà thẻ ATM có, và còn có phạm vi sử dụng rộng rãi thoải mái hơn.
Thẻ ghi nợ khác gì thẻ tín dụng?
Debit Card (thẻ ghi nợ) và Credit Card (thẻ tín dụng) đều là các loại thẻ thanh toán với tính năng giao dịch thay tiền mặt và phạm vi sử dụng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khác với Debit Card, Credit Card cho phép chủ thẻ “vay trước” tiền của ngân hàng để chi tiêu, mua sắm và giao dịch mà không cần phải trữ trước tiền trong tài khoản. Khoản vay này được giới hạn trong hạn mức tín dụng của thẻ.
Tổng giá trị tiền bạn sử dụng, mua sắm, chi tiêu bằng thẻ tín dụng không được vượt quá hạn mức này. Nói cách khác, Debit card là thẻ cho tiền vào mới dùng được, còn Credit card là thẻ chi tiêu trước trả tiền sau.
Quy trình đăng kí và phát hành Debit card rất nhanh chóng, trong khi Credit Card có thủ tục khó hơn vì bạn phải chứng minh khả năng tài chính của mình qua 2 hình thức tín chấp hoặc thế chấp. Tuy nhiên ngân hàng luôn khuyến khích khách hàng sử dụng Credit card hơn, do đó thẻ tín dụng luôn đi kèm với nhiều ưu đãi và lợi ích mà thẻ ghi nợ ít có.
Kết luận
Đọc đến đây hẳn là bạn đã phân biệt rõ được thẻ ghi nợ là gì? Thẻ Debit Card là gì…Nếu bạn tìm kiếm lời khuyên về sử dụng thẻ ngân hàng thì mình khuyên bạn nên sở hữu ít nhất một thẻ ghi nợ quốc tế và một thẻ tín dụng. Những loại thẻ này giúp cho cuộc sống của bạn sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều trong chi tiêu, mua sắm.