Bitcoin là gì và công nghệ Blockchain phía sau Bitcoin hoạt động thế nào?

  • 19/09/2017

Giá Bitcoin đã tăng liên tục và tăng rất mạnh trong hai năm 2016, 2017 tạo thành một cơn sốt đầu tư/đầu cơ; cơn sốt đào bitcoin rất lớn trên toàn thế giới. Vậy Bitcoin là gì mà khiến người ta phát sốt vì nó đến vậy? Những nội dung của bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn đầy đủ về Bitcoin, cách thức của công nghệ Blockchain hoạt động và cách thức Bitcoin được "đào".

Bitcoin là gì và nó hoạt động như thế nào?

Bitcoin là gì và nó hoạt động như thế nào?

1. Ý tưởng về Bitcoin

Hiểu một cách đơn giản thì sự hình thành Bitcoin đến từ ý tưởng về việc xây dựng một loại tiền tệ có thể thực hiện các giao dịch ngang hàng (Peer-to-Peer). Ý tưởng này khi được thực hiện sẽ tạo thành một cuộc cách mạng trong ngành dịch vụ tài chính. Ở mức độ đơn giản thì một phần lớn nhân lực ngân hàng đang làm các công việc liên quan đến giao dịch chuyển/nhận tiền có thể được cắt giảm.

Ở mức độ phát triển cao hơn thì vai trò của các ngân hàng sẽ trở lên rất mờ nhạt và phần lớn các giao dịch chuyển/nhận tiền sẽ không cần ngân hàng đứng ra làm một bên trung gian. Và do đó, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên, nhân lực cho cả xã hội.

2. Bitcoin là gì?

Ở Việt Nam, Bitcoin thường được gọi là tiền ảo Bitcoin. Nhưng nếu dịch sát nghĩa hơn thuật ngữ chung của các loại tiền tương tự như Bitcoin mà tiếng anh gọi là Cryptocurrency thì Bitcoin nên được gọi là một loại tiền điện tử. Cryptocurrency là thuật ngữ chung được dùng môt tả các loại tiền điện tử trong đó sử dụng các thuật toán/chương trình phức tạp trong việc bảo mật các giao dịch cũng như kiểm soát nghiêm ngặt nguồn cung số lượng tiền trong hệ thống.

Giá Bitcoin tăng nhanh một cách chóng mặt khiến nó trở thành một cơn sốt trong giới đầu tư, đầu cơ

Giá Bitcoin tăng nhanh một cách chóng mặt khiến nó trở thành một cơn sốt trong giới đầu tư, đầu cơ

Những đồng tiền có cách hoạt động tương tự như Bitcoin bao gồm Ethereum (ETH), Littlecoin hay Ripple đều là Cryptocurrency (tiền điện tử). Những đồng tiền này ra đời vì người ta thấy sự tiềm năng của thị trường này từ sự phát triển rất nhanh của đồng Bitcoin.

3. Bitcoin ra đời khi nào và ai là người tạo ra Bitcoin?

Cái tên gắn liền với Bitcoin và được coi là người sáng lập ra Bitcoin là Satoshi Nakamoto. Hiện tại thì cá nhân/tổ chức đứng sau Bitcoin với cái tên Satoshi Nakamoto vẫn là một bí mật, dù nhiều tờ báo đã thực hiện những chiến dịch để cố gắng tìm kiếm Satoshi Nakamoto.

Người ta chỉ biết được rằng Satoshi Nakamoto khởi tạo và bắt đầu cho hệ thống Bitcoin vẫn hành vào thời điểm ngày 3 tháng 1 năm 2009. Ban đầu Satoshi Nakamoto tham gia rất tích cực trong việc vận hành hệ thống này và giới thiệu đến người dùng qua các bài viết trên những tạp chí lớn, trên các diễn đàn.

Sau giai đoạn ban đầu xây dựng và phát triển hệ thống Bitcoin thì Satoshi Nakamoto đã ẩn danh và rút lui hoàn toàn khỏi các hoạt động liên quan đến Bitcoin. Ở thời điểm đó, hệ thống của Bitcoin đã đủ lớn để nó có thể tự vận hành. Tính đến thời điểm Satoshi Nakamoto rút khỏi hệ thống của Bitcoin thì tổng số Bitcoin mà Satoshi Nakamoto nắm giữ vào khoảng gần 1 triệu đồng coin. Và nếu tính theo giá trị của Bitcoin ở thời điểm hiện nay thì số coin này trị giá khoảng hơn 3 tỷ USD.

4. Bitcoin hoạt động như thế nào?

Cơ chế hoạt động của Bitcoin tuân theo một công nghệ có rất nhiều điểm ưu việt được gọi là công nghệ Blockchain. Trong nội dung bài viết này mình sẽ nói về Blockchain một cách đơn giản và tập trung giải thích cơ chế vận hành của Bitcoin dựa trên Blockchain. Một bài viết khác sắp tới mình sẽ giải thích cụ thể hơn về vấn đề này.

4.1 Công nghệ Blockchain là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất thì Blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu các giao dịch (records) dưới dạng các khối (block), mà giữa các khối này có liên kết với nhau, được mã hóa và bảo mật bằng các chương trình/thuật toán phức tạp (cryptography).

Mỗi khối (block) chứa một tham số (hash) có liên kết đến khối tạo ra ngay liền trước nó; chứa thông tin về thời gian và dữ liệu của các giao dịch. Theo lập trình, các blockchain này có khả năng nội tại để từ chối các yêu cầu sửa đổi dữ liệu.

Để đảm bảo dữ liệu không bị sửa trái phép, công nghệ Blockchain sử dụng hình thức sổ dữ liệu phân tán (distributed ledger) để lưu trữ dữ liệu về các Block. Bản chất của việc này là toàn bộ dữ liệu (của tất cả các block) mỗi khi được sinh ra sẽ được phân tán đến tất cả các máy tính nằm trong hệ thống của blockchain. Do đó việc sửa đổi dữ liệu ở trên 1 máy tính sẽ không thể nào làm thay đổi dữ liệu của cả hệ thống.

Dữ liệu phân tán trong công nghệ Blockchain đảm bảo không một ai có thể tự ý sử đổi dữ liệu của hệ thống

Dữ liệu phân tán trong công nghệ Blockchain đảm bảo không một ai có thể tự ý sử đổi dữ liệu của hệ thống

Và mạng lưới các máy tính này sẽ từ chối các sửa đổi dữ liệu trái phép từ một máy đơn lẻ thông qua việc luôn luôn kiểm tra các dữ liệu được gửi từ các máy tính khác đến với dữ liệu hiện đã nằm trong hệ thống blockchain. Một block mới chỉ được lưu vào hệ thống khi và chỉ khi khi tất cả các máy tính trong hệ thống cùng chấp nhận block đó, sau khi đã kiểm tra tính xác thực của tất cả các giao dịch trong block.

4.2 Bitcoin hoạt động dựa trên Blockchain

Blockchain là một công nghệ có thể được đưa vào và áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh doanh. Và Bitcoin chỉ là một ví dụ, một hình thức khởi đầu của việc áp dụng công nghệ Blockchain vào mảng giao dịch tài chính (chuyển và nhận tiền).

Ở thời điểm ban đầu khi Bitcoin mới được tạo ra, Satoshi Nakamoto là người đầu tiên tạo ra Block số 1 (là block đầu tiên trong hệ thống của Bitcoin). Block này có đặc điểm là không hề có mối liên hệ với bất kỳ block nào trước nó. Một trong những cách để bảo mật các block của Bitcoint là tất cả các Block từ số 2 trở đi đều bắt buộc phải có một mối liên hệ với Block ngay trước nó.

Kể từ đó, cứ mỗi 10 phút hệ thống của Bitcoin sẽ tập hợp toàn bộ các giao dịch trong hệ thống thành một Block được mã hóa. Những block này sẽ được các máy tính trong hệ thống kiểm tra, để đảm bảo tính xác thực của giao dịch (ví dụ: kiểm tra xem người gửi tiền có quyền/có sở hữu bitcoin để gửi hay không; kiểm tra xem một đồng bitcoin có bị sử dụng 2 lần để gửi cho hai người khác nhau hay không...). Mỗi Block sau khi được kiểm tra sẽ được xác thực và ghi nhận vào hệ thống blockchain của Bitcoin.

5. Đào Bitcoin là gì?

Những máy tính tham gia hệ thống bitcoin với vai trò kiểm tra, xác thực giao dịch này được trả công bằng chính những đồng bitcoin. Và vì thế người ta gọi những cỗ máy tính được sử dụng để giải mã thuật toán, kiểm tra giao dịch trong các block trong hệ thống blockchain của Bitcoin là các máy đào Bitcoin (hay gọi dân dã là trâu cày Bitcoin).

Ở thời điểm ban đầu, mỗi khi một máy tính hoàn thành công việc kiểm tra, xác thực một block thì hệ thống sẽ sinh ra 50 Bitcoin trả công cho người "đào" này. Con số này sẽ giảm đi 50% sau mỗi 4 năm. Và tính đến thời điểm này (Tháng 9/2017) thì việc hoàn thành giải mã được một block sẽ được 12.5 bitcoin. Khi số lượng các máy tính tham gia hệ thống này càng lớn thì việc cạnh tranh để nhận được các đồng bitcoin càng trở nên khó khăn.

Và theo những thống kê không chính thống thì khoảng 2/3 lượng Bitcoin đã được đào hiện nay là đến từ các máy đào Bitcoin ở Trung Quốc.

Máy đào Bitcoin sử dụng các loại card đồ họa chuyên dụng

Máy đào Bitcoin sử dụng các loại card đồ họa chuyên dụng

Các block sinh ra khoảng mỗi 10 phút sẽ được xác thực, kiểm tra và ghi nhận vào hệ thống của Blockchain như là một block mới. Mỗi khi một máy tính hoàn tất việc giải mã một block thì việc này sẽ được thông báo đến toàn bộ các máy tính khác trong hệ thống. Và dữ liệu Blockchain sẽ được cập nhật. Đến thời điểm hiện tại tổng dữ liệu Blockchain của Bitcoin đã lên tới 145GB và vẫn đang tăng lên rất nhanh.

Bạn yên tâm là với một người dùng phổ thông thì bạn có thể sử dụng các dịch vụ ví Bitcoin miễn phí của các bên thứ 3 như Coinbase chẳng hạn và do đó bạn sẽ không phải tải toàn bộ dữ liệu Bitcoin Blockchain (~145 GB) này về máy đâu.

6. Làm sao để mua Bitcoin

Có hai cách kiếm tiền với Bitcoin hiện nay là đi đào Bitcoin hoặc đầu tư/đầu cơ Bitcoin. Trong khi việc mua các trâu đào Bitcoin khá tốn kém và việc cài đặt cũng khá phức tạp thì có nhiều người tìm cách kiếm tiền với Bitcoin bằng cách đầu tư/đầu cơ. Giá Bitcoin đã tăng cực kỳ chóng mặt trong thời gian qua, và nhiều người đã kiếm được rất nhiều tiền từ Bitcoin nhờ làn sóng tăng giá này.

Nếu so sánh với những giao dịch Bitcoin đầu tiên (có giao dịch 10.000 BTC để đổi 2 cái bánh Pizza) thì đến nay giá Bitcoin đã tăng lên hàng trăm lần so với thời điểm năm 2009. Và nếu bạn đánh giá thấy tiềm năng của Bitcoin thì hẳn là bạn sẽ muốn mua Bitcoin hay các đồng khác như Ethereum (ETH) chẳng hạn để đầu cơ/ đầu cơ.

Nếu bạn cần mua Bitcoin để giữ trong dài hạn thì bạn sẽ cần đăng ký một ví Bitcoin trước (ví dụ đăng ký ở Coinbase) và sau đó mua Bitcoin ở các sàn giao dịch mua bán Bitcoin. Đa phần các sàn Bitcoin ở nước ngoài không chấp nhận người dùng Việt Nam mua Bitcoin hoặc phải mua với phí giao dịch rất cao. Thế nên, nếu bạn chỉ có nhu cầu đầu cơ ngắn hạn thì nên tìm các sàn Trading, ví dụ như Etoro. Ở đây bạn có thể dễ dàng đặt lệnh mua, bán nhiều loại tiền điện tử khác nhau khá dễ dàng.

7. Giá Bitcoin chịu tác động bởi yếu tố gì?

Không được đảm bảo bằng Vàng như trong chế độ Bản vị vàng trước đây, và cũng không được đảm bảo giá trị bởi bất cứ chính phủ nào, vậy tại sao Bitcoin lại có giá tăng chóng mặt như vậy? Câu trả lời nằm ở kỳ vọng của thị trường.

Đầu tiên, thuật toán của Bitcoin giới hạn số lượng tổng tối đa số đồng Bitcoin có thể đưa vào lưu thông là 21 triệu BTC. Vì có giới hạn này, nên nó tạo ra tâm lý là càng về sau, BTC sẽ càng trở nên giá trị hơn. Người Việt mình có câu cái gì hiếm thì mới quý và Bitcoin là một trong những thứ đáp ứng thị hiếu này của người dùng ở nhiều quốc gia.

Nguyên nhân trực tiếp của giá Bitcoin biến động mỗi ngày là được quyết định bởi cung-cầu trên thị trường. Khi cung ít mà cầu quá lớn thì giá Bitcoin sẽ liên tục tăng giá. Người ta muốn nắm giữ BTC vì thị trường có một kỳ vọng quá lớn bao gồm:

  • check
    Bitcoin ứng dụng công nghệ blockchain là công nghệ có rất nhiều điểm ưu việt và tính bảo mật cao
  • check
    Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên có mặt trên thị trường và các đồng khác chỉ là ăn theo
  • check
    Và quan trọng nhất, người ta kỳ vòng một ngày không xa, Bitcoin sẽ được dùng thay thế các loại tiền truyền thống

Kỳ vọng lớn nhất khiến người ta muốn sở hữu Bitcoin vì người ta mong chờ là Bitcoin sẽ dần thay thế các loại tiền truyền thống. Và nếu Bitcoin được các chính phủ chấp nhận rộng rãi thì số lượng hạn chế 21 triệu Bitcoin của nó sẽ khiến giá mỗi Bitcoin sẽ tăng lên rất nhiều sau này.

8. Có nên đầu tư vào Bitcoin?

Hiểu được Bitcoin là gì rồi thì quyết định đầu tư hay không bạn phải tự quyết định. Nhưng trước khi quyết định đầu tư Bitcoin để làm giàu thì bạn cần lưu ý những điểm sau:

Đầu tiên là giá của Bitcoin có thể biến động cực kỳ lớn trong mỗi phiên giao dịch, phản ánh cung cầu của thị trường. Nó có thể mang lại lợi nhuận cực lớn và đi kèm với đó là rủi ro bạn cũng có thể mất tất cả.

Bitcoin là đồng tiền rất dễ bị tác động bởi chính sách của các chính phủ. Mà các chính sách này thì khó mà dự đoán được. Những sự kiện gần đây khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố về việc cấm/hạn chế một số hoạt động của Bitcoin đã khiến thị trường tụt giảm thảm hại.

Bitcoin không được đảm bảo bằng vàng, hàng hóa hay các chính phủ. Vì vậy, nó chính xác là một tài sản ảo. Chỉ đến khi nào nó thực sự được chấp nhận bởi các chính phủ thì lúc đó nó mới có giá trị để dễ dàng đổi sang một loại tiền, hàng hóa khá khi bạn cần.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận