Để mất thông tin thẻ tín dụng chính là việc bạn sẽ để mất rất nhiều tiền. Vậy cách sử dụng thẻ tín dụng an toàn, bảo mật đặc biệt là ở Việt Nam như thế nào? Toàn bộ nội dung bài viết dưới đây sẽ trả lời vấn đề này, hướng dẫn bạn bảo mật thông tin thẻ tín dụng.
Việc sử dụng tiền mặt thường xuyên càng ngày càng trở nên bất lợi. Nhất là khi mua hàng có giá trị lớn, bạn sẽ không muốn rút và giữ một số tiền lớn vì vừa bất tiện vừa không an toàn. Ở các nước phát triển, việc không sử dụng tiền mặt đã trở thành thói quen. Để thay thế tiền mặt họ sử dụng các loại thẻ do ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ cung cấp. Hoặc tiến bộ hơn họ sử dụng các phần mềm thanh toán và ví điện tử như Alipay, Momo, AirPay.
Thẻ tín dụng thật sự tiện lợi nhưng không phải là giải pháp hoàn hảo. Sử dụng thẻ tín dụng hay các loại thẻ khác để thanh toán cũng tiềm ẩn một số rủi ro về an toàn thông tin. Vậy làm thế nào để sử dụng thẻ tín dụng an toàn nhất? Dưới đây là những kinh nghiệm sẽ giúp bạn dùng thẻ an toàn, bảo mật.
1. Hiểu về cách thức thanh toán bằng thẻ tín dụng
Khi bạn mở một thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng là số tiền lớn nhất bạn có thể sử dụng trong một kỳ sao kê (thường sẽ là một tháng). Hạn mức tín dụng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào yêu cầu và khả năng tài chính của bạn.
Các ngân hàng và các tổ chức phát hành thẻ tín dụng sẽ căn cứ vào mức thu nhập hàng tháng, lịch sử tín dụng hoặc khả năng trả nợ của bạn để duyệt hạn mức tín dụng bạn yêu cầu. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Thẻ tín dụng là gì để có thêm những thông tin, kiến thức cơ bản về thẻ.
1.1 Kỳ sao kê và hạn thanh toán sao kê thẻ tín dụng
Bản chất của việc thanh toán thẻ tín dụng khá giống sử dụng tiền mặt. Ngân hàng phát hành sẽ không giới hạn bạn thực hiện bao nhiêu lần thanh toán bằng thẻ tín dụng trong một tháng. Họ chỉ quan tâm bạn có thanh toán vượt quá hạn mức và có trả nợ cho họ đúng hạn không thôi.
Khi sử dụng thẻ tín dụng bạn cần năm được rõ hai khái niệm là kỳ sao kê thẻ tín dụng và kỳ thanh toán sao kê. Kỳ sao kê mà các ngân hàng áp dụng thường sẽ là 30 ngày. Tức là bạn cứ dùng thẻ tín dụng quẹt thoải mái, và cứ 30 ngày họ lại gửi cho bạn 1 bảng sao kê chi tiết các giao dịch đã phát sinh. Kỳ này có ngày bắt đầu tuỳ thuộc vào từng ngân hàng, từng loại thẻ. Ví dụ từ ngày 10/1 đến ngày 9/2 có thể là một kỳ sao kê. Sau khi đã có sao kê, ngân hàng sẽ gửi email/thư sao kê thẻ cho bạn.
Hạn thanh toán sao kê có thể sẽ là sau ngày lập bảng sao kê 15, 20, 25 thậm chí 30 ngày. Như vậy có nghĩa là một số giao dịch chi tiêu với thẻ tín dụng vào đầu ký sao kê có thể được nợ miễn lãi lên tới 45, 50, 55, 60 ngày tuỳ theo loại thẻ và ngân hàng phát hành. Quá trình này cứ tiếp diễn tạo thành một chu kỳ khép kín tức là bạn mua hàng trước, trả tiền lại cho ngân hàng sau.
1.2 Phạt và lãi suất khi dùng thẻ tín dụng
Khi dùng thẻ tín dụng, bạn có thể nợ đến ngày cuối cùng miễn lãi. Nhưng nếu vượt quá ngày cuối cùng mà bạn vẫn chưa thanh toán khoản dư nợ sao kê thì ngân hàng sẽ tính lãi suất của bạn rất cao, kèm với đó sẽ phát sinh phạt trả chậm.
Nếu chậm thanh toán nhiều lần, lịch sử tín dụng của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thông tin được chuyển lên hệ thống Trung tâm Thông Tin Tín Dụng CIC của Ngân hàng nhà nước. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều nếu bạn cần mở thêm thẻ tín dụng, hoặc đi vay nợ sau này.
Ngoài ra, khi dùng thẻ tín dụng bạn cũng có thể chỉ thanh toán một phần giá trị sao kê mỗi tháng (được gọi là số tiền thanh toán tối thiểu). Phần còn lại bạn chưa thanh toán thì sẽ bị ngân hàng tính lãi (cũng khá cao chứ không rẻ đâu nhé).
Lãi suất với phần trả chậm sẽ được tính cho đến lúc bạn trả hết số dư. Và nếu bạn có thực hiện các giao dịch mua sắm khác bằng thẻ tín dụng, bạn chỉ được tiêu số tiền trong hạn mức còn lại của thẻ. Cách sử dụng thẻ tín dụng an toàn và tiết kiệm nhất chính là luôn thanh toán toàn bộ số dư sao kê thẻ tín dụng khi đến hạn.
Việc sử dụng thẻ tín dụng được chấp nhận rất rộng rãi ở Việt Nam, cả với mua hàng trực tuyến và quẹt thẻ ở các cửa hàng offline. Các ngân hàng thường kết hợp với các đơn vị bán hàng tung ra các chương trình khuyến mãi rất lớn để thu hút bạn mở thẻ tín dụng.
Đặc biệt là trong thanh toán online, bạn sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng như giảm giá thêm 10-15% ở Lazada, Shopee, Tiki…Hoặc điển hình là mua xe máy trả góp bằng thẻ tín dụng, lãi suất trả góp thường sẽ ở mức 0% cực kỳ tiết kiệm.
2. Rủi ro bị lấy cắp thông tin khi dùng thẻ.
Việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán tại cửa hàng hay các trang web online thưc sự rất đơn giản. Tuy nhiên, khi dùng thẻ để thanh toán cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bị lấy cắp thông tin dù là bạn thanh toán trực tiếp hay thanh toán trực tuyến. Khi thanh toán tại cửa hàng, luôn có rủi ro là nhân viên của ngân hàng ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của bạn. Còn mua hàng Online thì có thể bạn sẽ cung cấp số thẻ nhầm cho các địa chỉ giả mạo.
Trong nhà hàng, các nhân viên có thể lấy trộm thông tin thẻ tín dụng của bạn bằng cách ghi lại, chụp lại thông tin thẻ bao gồm: Họ tên in trên thẻ, Số thẻ, Thời gian hết hạn của thẻ (mm/yyyy), và đặc biệt quan trọng là mã CVC – 3 số in trên khoảng trắng ở mặt sau của thẻ tín dụng.
Khi thanh toán trên mạng, các trang web trên mạng thường yêu cầu bạn nhập đủ các thông tin in trên thẻ. Một số dịch vụ thẻ/ngân hàng có cung cấp thêm lớp xác thực thứ hai là gửi mã OTP đến điện thoại của bạn (xem thêm: OTP là gì?). Nhưng cũng có nhiều địa chỉ không yêu cầu thêm OTP. Chính vì vậy, mua hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp, hacked.
3. Cách sử dùng thẻ tín dụng an toàn
Với các giao dịch thanh toán thẻ tại các cửa hàng, rủi ro đầu tiên bạn gặp phải sẽ là nhân viên cửa hàng có thể nhập sai số tiền bạn thanh toán. Có thể do vô tình hoặc cố ý. Chính vì vậy, phải luôn luôn kiểm tra lại số tiền trên biên lai quẹt thẻ trước khi ký. Đã từng xảy ra rất nhiều sự việc mà các nhà hàng cố tình quẹt thẻ nhiều lần/nhập sai số tiền để trục lợi rồi. Gặp phải rắc rối thì giải quyết sau này phức tạp hơn rất nhiều.
Đôi khi việc này xảy ra cũng không phải lỗi cố ý, ví dụ như ở các siêu thị lớn. Khi số người đứng đợi thanh toán quá lâu, nhân viên thu ngân có thể vô ý nhập nhầm số tiền thanh toán khiến bạn phải trả tiền nhiều hơn.
Không giống như thanh toán bằng thẻ ATM, bạn cần nhập mã pin thì mới có thể thực hiện một giao dịch trừ tiền. Thẻ tín dụng thì tiện dùng hơn nên cũng rủi ro hơn. Bạn không cần nhập mã PIN hoặc mật khẩu, nhân viên thu ngân chỉ cần đưa qua thẻ vào máy là đã có thể thực hiện một giao dịch trừ tiền thẻ tín dụng của bạn.
Việc đăng ký thông báo SMS chủ động khi có giao dịch thẻ tín dụng là một biện pháp rất hữu ích để bảo vệ chính bạn. Nếu nhân viên của các nhà hàng chẳng hạn quẹt thẻ nhiều lần thì bạn sẽ được cảnh báo gần như tức thời. Khi đó bạn có thể từ chối ký biên lai, yêu cầu họ huỷ giao dịch trùng lặp đi khi phát hiện ra.
Thủ tục thanh toán bằng thẻ tín dụng là bạn sẽ cần ký vào ba liên của hóa đơn thẻ in từ máy đọc thẻ. Chính vì vậy, nếu số tiền không đúng thì bạn cần từ chối ký, yêu cầu huỷ giao dịch và thực hiện lại. Rủi ro an ninh lớn nhất với thẻ tín dụng khi sử dụng trực tiếp là bị ăn cắp thông tin thẻ qua các hình thức như thông tin thẻ bị ghi lại, sao chép. Cách sử dụng thẻ an toàn nhất là bạn không nên đưa thẻ cho nhân viên của nhà hàng tự ý quẹt. Hoặc nếu có đưa thì phải luôn giám sát ngay trước mắt mình.
Bạn nên theo dõi cả quá trình nhân viên thu ngân/nhân viên phục vụ quẹt thẻ và nhập số tiền vào máy quẹt thẻ để tránh trường hợp gian lận. Khi bạn giám sát cẩn thận việc quẹt thẻ thì họ cũng sẽ sợ hơn và không dễ dàng ghi lại và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của bạn.
4. Bảo mật thẻ khi mua hàng trực tuyến
Mua hàng trực tuyến bạn sẽ được giảm giá rất nhiều khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Chính các chiêu khuyến mãi giảm giá này đã thu hút người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi mua hàng trực tuyến cũng có rủi ro thông tin thẻ tín dụng có thể bị đánh cắp.
Thường thì ngân hàng phát hành có rất nhiều chính sách bảo mật. Nếu có những giao dịch bất thường, ngân hàng có thế sẽ báo cho bạn để xác nhận. Đặc biệt là những khoản giao dịch thanh toán trực tuyến với các đối tác ở nước ngoài. Tuy nhiên, bạn vẫn luôn cần chú ý rất nhiều để đảm bản an toàn thông tin thẻ khi giao dịch. Và dưới đây là những vấn đề an toàn cơ bản bạn cần chú ý khi mua hàng Online.
Bảo mật https khi thanh toán trực tuyến: Khi mua hàng thông qua một trang web trực tuyến, bạn hãy quan sát để đảm bảo rằng địa chỉ của trang web bắt đầu bằng https:// thay vì http://. Phần”s” này cho thấy trang web sử dụng một lớp hệ thống bảo mật cho thông tin khi truyền dữ liệu. Nó không đảm bảo giao dịch an toàn 100%, nhưng đó là một trong những tiêu chí cơ bản nhất về bảo mật trên Internet.
Hầu hết các website thương mại điện tử lớn, uy tín sẽ sử dụng thêm các dịch vụ bảo mật của McAfee, VeriSign hoặc TRUSTe…Trên đầu mỗi trang web bạn sẽ thấy dấu khóa bảo mật, các thông tin về kết nối an toàn.
Đảm bảo máy không nhiễm Virus: Không tiến hành giao dịch thanh toán trực tuyến tại những nơi công cộng như quán nét, quán cà phê. Những máy tính công cộng luôn tiềm ẩn rủi ro bị cài các phần mềm gián điệp, virus ăn cắp thông tin. Những nơi rủi ro về an toàn thông tin như thế bạn nên tránh cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến các tài khoản quan trọng, hay thông tin ngân hàng.
Với máy tính cá nhân, bạn nên cài đặt phần mềm diệt Virus. Các phần mềm diệt Virus được cập nhật thường xuyên sẽ bảo vệ bạn khỏi phần lớn các loại Virus, mã độc được lan truyền trên Internet. Tường lửa của máy cũng được cài đặt an toàn hơn, bảo vệ bạn trước sự tấn công của hacker.
Bảo mật các tài khoản mua hàng: Trên các trang web bán hàng trực tuyến, bạn nên đặt mật khẩu phức tạp để đảm bảo thông tin tài khoản không dễ dàng bị hack. Bạn có thể thêm các ký tự đặc biệt (%,$,#…) vào mật khẩu để tăng độ bảo mật. Lưu ý là không sử dụng những thông tin cá nhân để đặt mật khẩu như số điện thoại hoặc ngày sinh…Và cuối cùng là không sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Đặt mật khẩu quá đơn giản có thể là cơ hội để hacker tấn công tài khoản, ăn cắp các thông tin cá nhân của bạn.
5. Một số giải pháp bổ sung
Có rất nhiều ngân hàng có thêm một lớp bảo mật nữa cho người dùng. Đó là hình thức bảo mật xác thực mã OTP hoặc token, etoken khi bạn thanh toán trực tuyến. Các mã xác thực này sẽ được gửi đến điện thoại của bạn để yêu cầu bạn xác thực lại giao dich thanh toán, trước khi nó được hoàn thành. Nếu không có mã xác thực này thì giao dịch trực tuyến sẽ không thực hiện được.
Các hình thức phổ biến hiện nay được sử dụng là các dịch vụ Verified by Visa, Verified by MasterCard. Với các dịch vụ này thì ngay cả khi thẻ của bạn bị lộ thông tin thì kẻ xấu cũng vẫn chưa thể dùng thẻ của bạn để thanh toán trực tuyến.
Với mã CVC/CVS in ở mặt sau thẻ, bạn có thể xoá các thông tin CVC này đi, hoặc dán kín mã CVC lại. Nếu không có số CVC/CVS thì giao dịch trực tuyến cũng sẽ không thực hiện được. Các mã số này bạn có thể học thuộc lòng, hoặc lưu trữ vào một thiết bị khác (ví dụ ở ghi chú trên điện thoại chẳng hạn).
Đăng ký các dịch vụ theo SMS Banking chủ động với ngân hàng sẽ giúp bạn nhận được các thông báo giao dịch của thẻ. Khi đó bạn sẽ giám sát tốt hơn, có cách sử dụng thẻ tín dụng an toàn hơn nhờ vào việc giám sát thường xuyên giao dịch của thẻ.
Nếu bạn phát hiện mình bị mất thẻ tín dụng, bạn cần báo ngay lên ngân hàng phát hành để khóa thẻ. Ngoài ra, việc hình thành thói quen theo dõi chi tiết sao kê của thẻ tín dụng cũng có vai trò quan trọng giúp bạn phát hiện các giao dịch bất thường. Hy vọng toàn bộ thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thể dùng thẻ an toàn, bảo mật nhất.