Thẻ tín dụng là gì? Điều kiện làm thẻ tín dụng là gì?

  • 08/11/2016

Nếu bạn đang có những câu hỏi như thẻ tín dụng là gì? cách thức dùng thẻ như thế nào? hay điều kiện làm thẻ là gì? thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng thể, toàn diện về thẻ tín dụng.

Ở các nước phát triển, thẻ tín dụng đã trở thành phương tiện thanh toán mua sắm thay thế phần lớn các giao dịch tiền mặt. Ở Việt Nam số lượng người sở hữu thẻ tín dụng chưa nhiều. Ước tính hiện nay chỉ khoảng 3% dân số Việt Nam đang dùng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, xu hướng là sẽ ngày càng nhiều người dùng thẻ vì những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại.

Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng là một loại thẻ thanh toán mà chủ thẻ có thể sử dụng để chi trả cho các giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ. Thẻ tín dụng có chức năng tương tự như tiền mặt vì ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho chủ thẻ để thanh toán cho người người bán. Chủ thẻ thì cam kết sẽ hoàn trả tiền cho ngân hàng khi đến kỳ hạn phải thanh toán sao kê tài khoản hàng tháng.

Thẻ tín dụng là gì? Và có chức năng gì?

Thẻ tín dụng là gì? Và có chức năng gì?

Tùy theo thu nhập, năng lực tài chính và lịch sử tín dụng của người đăng ký, ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng gắn liền với từng thẻ tín dụng được ngân hàng phát hành. Chủ thẻ với năng lực tài chính càng cao (thu nhập cao, hoặc nhiều tài sản đảm bảo) thì sẽ được cấp hạn mức càng lớn.

Chức năng của thẻ tín dụng là gì?

Việc sở hữu một chiếc thẻ tín dụng không khó. Nhưng để tận dụng được hết các chức năng của thẻ thì bạn cần tìm hiểu xem các chức năng của thẻ tín dụng là gì? Và dưới đây là những chức năng chính.

1. Chi tiêu trước và trả tiền sau

Thẻ tín dụng cho phép bạn chi tiêu trước, trả tiền sau mà không phải chịu lãi suất cho đến khi phải thanh toán sao kê. Thời gian miễn lãi tối đa có thể lên tới 55 ngày (Tính từ ngày chi tiêu cho đến ngày phải thanh toán sao kê thẻ hàng tháng).

Ví dụ với hạng thẻ tín dụng Platinum của một số ngân hàng, ngày sao kê giao dịch là ngày 25 hàng tháng và ngày phải thanh toán sao kê đó là ngày 20 của tháng sau. Như vậy với giao dịch bạn thực hiện vào ngày 26/1 chẳng hạn thì đến 25/2 giao dịch đó mới nằm trên sao kê; Và đến 20/3 bạn mới phải thanh toán cho ngân hàng khoản này.

Khi đến hạn phải thanh toán sao kê, bạn có hai lựa chọn là thanh toán toàn bộ số dư và thanh toán số dư tối thiểu. Nếu bạn chỉ trả khoản thanh toán tối thiểu, số tiền nợ còn lại chịu lãi suất khá cao, và phổ biến ở Việt Nam là mức vài chục phần trăm/năm.

Lưu ý: Khi sử dụng thẻ tín dụng bạn nên đăng ký với ngân hàng dịch vụ (miễn phí) thanh toán tự động toàn bộ số dư cuối mỗi kỳ sao kê. Khi đến kỳ hạn thanh toán thẻ tín dụng, hệ thống ngân hàng sẽ tự động trừ tiền tài khoản của bạn, và bạn không phải lo việc quên không thanh toán sao kê.

2. Rút tiền mặt thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng cũng có chức năng rút tiền mặt ở các máy ATM. Với giao dịch này thì lãi sẽ được tính từ ngày thực hiện giao dịch cho tới khi toàn bộ giá trị giao dịch được thanh toán đầy đủ. Đây là các giao dịch không được miễn lãi.

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để rút ngoại tệ ở nước ngoài

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để rút ngoại tệ ở nước ngoài

Điều kiện rút tiền hay chi tiêu của thẻ tín dụng là hạn mức bạn sử dụng không vượt quá hạn mức của thẻ. Với một số ngân hàng, bạn có thể quẹt thẻ ở một hạn mức cao hơn hạn mức mà ngân hàng đã cấp cho bạn. Tuy nhiên khi đó sẽ có thêm những khoản phí vượt hạn mức phát sinh.

3. Tận hưởng nhiều ưu đãi

Trong các loại thẻ ngân hàng thì thẻ tín dụng là loại thẻ có nhiều ưu đãi mua sắm nhất. Khi sử dụng thẻ tín dụng (đặc biệt là của các ngân hàng nước ngoài như Citibank, HSBC, ANZ) thì bạn sẽ được tận hưởng rất nhiều ưu đãi giảm giá mua sắm.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thường xuyên có các chương trình ưu đãi mua hàng trả góp với lãi suất 0%. Bạn có thể dùng thẻ tín dụng để điện thoại, laptop, xe máy trả góp. Tuy nhiên lãi suất 0% không được áp dụng với mọi giao dịch mà chỉ với những đối tác chiến lược của ngân hàng phát hành.

Thẻ tín dụng khác gì thẻ ghi nợ và thẻ ATM?

Ở Việt Nam, thẻ ATM (hay còn gọi là thẻ ghi nợ nội địa) là loại thẻ đông người sử dụng nhất. Về chức năng thì thẻ ATM có nhiều hạn chế so với thẻ tín dụng.

1. Phạm vi sử dụng thẻ

Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế (trên thẻ có logo của Visa, Master…) có thể thanh toán và sử dụng dịch vụ tại các quốc gia bên ngoài Việt Nam. Thẻ ATM chỉ có thể thanh toán và sử dụng dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ ATM chỉ dùng để rút tiền, thanh toán được ở Việt Nam

Thẻ ATM chỉ dùng để rút tiền, thanh toán được ở Việt Nam

2. Cách thức hoạt động

Không giống như thẻ tín dụng, chủ thẻ thẻ ghi nợ và thẻ ATM chỉ có thể chi tiêu trong số tiền có sẵn trong tài khoản thanh toán liên kết với thẻ. Chỉ duy nhất thẻ tín dụng là có thể chi tiêu trước, trả tiền sau.

3. Phí mở thẻ

Người dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế phải đóng phí thường niên khi mở thẻ. Nhiều ngân hàng có chương trình miễn phí thường niên năm đầu. Tùy thuộc vào từng ngân hàng và hạng thẻ (classic, platinum…), mức phí thường niên sẽ khác nhau.

Thẻ ATM thường được các ngân hàng miễn phí mở thẻ. Một số ngân hàng sẽ yêu cầu chủ thẻ nộp số tiền tối thiểu vào tài khoản thanh toán này để duy trì tài khoản. Thẻ ATM hầu như không bị thu phí thường niên hàng năm.

Thẻ Visa và Thẻ MasterCard có phải là thẻ tín dụng?

Thẻ Visa và Thẻ MasterCard đều là thẻ thanh toán quốc tế. Visa và Master là tên hai Công ty cung cấp dịch vụ mạng lưới thanh toán toàn cầu. Thẻ Visa và Thẻ MasterCard có thể là thẻ ghi nợ quốc tế hoặc là thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng quốc tế do các ngân hàng phát hành và có thể là thẻ Visa CreditCard hoặc Master CreditCard. Trong các dòng thẻ tín dụng (Ví dụ Visa/Master) thì thẻ lại được chia thành nhiều hạng như Hạng chuẩn/Vàng/Platinum. Và với mỗi hạng thẻ thì mức phí, ưu đãi cũng có khác nhau.

Điều kiện mở thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng là loại thẻ ngân hàng phát hành thường dựa cơ sở thẩm định khả năng tài chính của chủ thẻ mà không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, không phải ai cũng có thể mở thẻ tín dụng.

Điều kiện đầu tiên để mở thẻ tín dụng là bạn phải là cá nhân đang sinh sống ở Việt Nam, tại tỉnh, thành phố nơi ngân hàng phát hành có hoạt động kinh doanh. Yêu cầu độ tuổi tối thiểu thường là từ 18 tuổi trở nên.

Bên cạnh điều kiện cơ bản ở trên thì bạn phải có khả năng tài chính tốt. Việc này thể hiện ở chỗ bạn phải có nguồn thu nhập ổn định hoặc tài sản đảm bảo. Và mức lương tối thiểu để được mở thẻ tín dụng thường là từ khoảng 6-8 triệu/tháng.

Thủ tục mở thẻ tín dụng có phức tạp không?

Yếu tố chính để các ngân hàng cấp thẻ tín dụng là nằm ở chỗ bạn có thể chứng minh khả năng tài chính hay không. Thủ tục làm thẻ tín dụng thì không phức tạp. Bạn xem chi tiết dưới đây nhé.

1. Điều kiện mở thẻ tín dụng theo lương:

  • Lương phải được thanh toán qua ngân hàng
  • Mức lương tối thiểu phải đạt yêu cầu của ngân hàng (Phổ biến là từ 6 triệu VNĐ)
  • Bạn có đầy đủ hợp đồng lao động còn hiệu lực với Công ty

Khi đó, Hồ sơ yêu cầu mở thẻ của bạn sẽ cần các giấy tờ sau

  • ​Điền Form Yêu cầu mở thẻ tín dụng của ngân hàng
  • Bản sao CMTND
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc KT3
  • Bản sao Hợp Đồng lao động còn hiệu lực
  • Bản gốc sao kê tài khoản ngân hàng nhận lương 3 tháng gần nhất. Bản sao kê này bạn phải trả phí cho ngân hàng để được cung cấp.

​Nếu bạn không có hộ khẩu ở Hà Nội, HCM hay các thành phố lớn thì một số ngân hàng/trong một số chương trình cũng không yêu cầu bạn phải cung cấp KT3 hoặc đăng ký tạm trú. Các ngân hàng nước ngoài thường có chính sách mở và dễ dàng hơn trong thủ tục phát hành thẻ tín dụng.

Với sao kê tài khoản 3 tháng gần nhất thì bạn sẽ không cần cung cấp cho ngân hàng nếu mở thẻ tín dụng ở cùng ngân hàng mà bạn có tài khoản nhận lương.

2. Điều kiện mở thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo

Hẳn là không có nhiều người muốn mở thẻ theo hình thức này. Tuy nhiên, nếu bạn cần thẻ tín dụng để sử dụng mà không thể chứng minh khả năng tài chính thì đây là giải pháp.

Tài sản thế chấp ​phổ biến nhất và được ngân hàng thích nhất là sổ tiết kiệm. Bạn có thể mở một sổ tiết kiệm ở chính ngân hàng bạn có dự định mở thẻ tín dụng và dùng sổ tiết kiệm đó làm tài sản thế chấp để mở thẻ.

Khi đó bạn không cần chứng minh thu nhập. Không cần HĐ lao động, sao kê tài khoản và cũng không nhất thiết phải có KT3/giấy xác nhận tạm trú của Công An phường.

Nên làm thẻ tín dụng Visa hay MasterCard?

Nên làm thẻ tín dụng Visa hay MasterCard?

Thẻ tín dụng Visa khác gì thẻ MasterCard?

Đối với hầu hết người dùng, họ đều không thấy sự khác nhau rõ ràng nào giữa hai loại thẻ tín dụng Visa và MasterCard. Cả hai loại thẻ đều được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Hiếm khi bạn thấy ở đâu đó chỉ chấp nhận thẻ Visa hoặc MasterCard.

Cả Visa và MasterCard đều không phát hành thẻ tín dụng mà họ chỉ đóng vài trò là mạng lưới thanh toán. Các ngân hàng phát hành thẻ và sử dụng dịch vụ thanh toán của Visa/Master. Do đó, thẻ có biểu tượng Visa/Master. Còn lãi suất, phí hàng năm và các chi phí khác được quy định bởi ngân hàng phát hành thẻ.

Việc quyết định nên mở thẻ tín dụng Visa hay MasterCard phụ thuộc vào lãi suất, chi phí sử dụng thẻ và chương trình ưu đãi mà ngân hàng dành cho chủ thẻ. Nếu xét chung thì thẻ Visa hiện là dòng thẻ tín dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Theo báo cáo của Nilson, năm 2015, thẻ thanh toán quốc tế Visa (bao gồm cả thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng quốc tế) chiếm 55,5% thị phần tổng lượng giao dịch thẻ trên toàn thế giới. Thẻ thanh toán MasterCard chỉ chiếm khoảng 13,1%.

Ở Việt Nam, các ngân hàng như HSBC, ANZ hay Citibank có những chương trình ưu đãi mở thẻ tín dụng nổi bật cho khách hàng. Những khách hàng mở thẻ tín dụng HSBC/ANZ hay Citibank thường được nhận Vali du lịch, hoàn tiền rất lớn ngay cho những giao dịch mua sắm đầu tiên.

Lưu ý khi dùng thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng được ngân hàng cấp trên cơ sở uy tín/tín chấp của chủ thẻ. Và mọi thứ sẽ hoàn hảo cho đến khi bạn rơi vào cái bẫy và bắt đầu phải chịu tiền phạt, lãi từ ngân hàng.

1. Đừng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Bản chất của việc rút tiền thẻ tín dụng chính là bạn vay ngân hàng trước để chi tiêu và trả sau. Và giao dịch này được ngân hàng xếp vào nhóm những giao dịch tiềm ẩn nợ xấu nên phí/lãi rất cao.

Phí rút tiền mặt hiện nay khoảng 3-4% giá trị số tiền bạn rút. Lãi suất sẽ được tính ngay sau thời điểm bạn rút tiền.

Trong trường hợp khẩn cấp, cần một số tiền ngay thì bạn có thể rút tiền từ thẻ. Nhưng nếu trường hợp không thực sự cần thiết, hoặc có thể xoay xở nguồn tiền khác được thì bạn không nên rút tiền từ mặt từ thẻ tín dụng.

2. Luôn thanh toán sao kê đúng hạn

Khi thanh toán chậm sao kê bạn sẽ phải chịu phí chậm thanh toán và lãi trả chậm. Ví dụ, Ngân hàng Vietcombank, phí chậm thanh toán là 3%; ngân hàng HSBC Việt Nam là 4%.

Mức lãi suất trả chậm cũng luôn cao "cắt cổ" ở mức vài chục phần trăn một năm. Vì vậy​ đừng rơi vào cái bẫy của ngân hàng là chỉ thanh toán số dư tối thiểu khi đến hạn thanh toán sao kê. Hãy luôn thanh toán toàn bộ số dư sao kê khi đến hạn để tránh những khoản lãi khủng khiếp của ngân hàng.

3. Đừng tiêu vượt hạn mức tín dụng

Với một số ngân hàng, bạn có thể tiêu vượt hạn mức tín dụng một chút. Và ngay sau đó ngân hàng sẽ tính phí vượt hạn mức.

Khi cần, bạn hãy yêu cầu tăng được hạn mức tín dụng. Thủ tục yêu cầu tăng hạn mức thường không phức tạp.

Cách sử dụng thẻ tín dụng khi mua sắm

Thẻ tín dụng có thể được sử dụng rất dễ dàng để thanh toán cho các giao dịch mua sắm trên Internet.

Khi mua hàng hóa/dịch vụ, bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin thẻ tín dụng ở bước thanh toán bao gồm: Số thẻ (Card number), Hiệu lực (Expiry date), Mã bảo mật trên thẻ (Security code – CVV, CVC).

Địa chỉ Billing của thẻ (nếu được yêu cầu), bạn cần cung cấp thông tin địa chỉ như khi bạn đăng ký mở thẻ với ngân hàng.

Để có thể sử dụng thẻ tín dụng trên Internet, thẻ tín dụng phải được kích hoạt chức năng thanh toán online. Việc kích hoạt này có thể được thực hiện khi bạn đăng ký mở thẻ hoặc thực hiện sau đó thông qua Internet Banking/ Mobile Banking.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại máy POS

Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại máy POS

Đối với mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, thẻ tín dụng sẽ được quẹt qua một máy POS. Máy này được liên kết với dịch vụ ngân hàng thông qua Internet để thực hiện giao dịch trừ tiền thẻ tín dụng.

Nếu thẻ số tiền yêu cầu vượt hạn mức cho phép hoặc có vấn đề xác thực thì thẻ sẽ bị từ chối. Nếu thẻ hợp lệ, ngân hàng sẽ thông báo lại về máy đọc thẻ, máy sẽ in ra tờ hóa đơn ghi số tiền, mã số giao dịch và bạn sẽ ký vào tờ giấy đó. Bạn sẽ được giữ một trong 3 tờ biên lai thanh toán trên máy POS này.

Khi thanh toán tại cửa hàng, bạn chú ý kiểm tra số tiền in trên hóa đơn trước khi ký tên và kiểm tra lại thẻ của mình để tránh trường hợp cầm nhầm thẻ của người khác.

Mất thẻ tín dụng thì phải làm gì?

Hãy gọi ngay đến trung tâm dịch vụ khách hàng của ngân hàng phát hành thẻ để thông báo và yêu cầu khóa thẻ tín dụng ngay khi bạn phát hiện mình mất thẻ.

Và sau đó, bạn có thể đến chi nhánh gần nhất của ngân hàng để yêu cầu cấp lại một thẻ tín dụng mới. Khi đó, bạn sẽ phải trả một khoản phí phát hành thẻ mới theo chính sách của từng ngân hàng.

Kết luận

Những thông tin trên đây hẳn đã giúp bạn hiểu rõ thẻ tín dụng là gì và cách thức sử dụng thẻ tín dụng. Để sử dụng thẻ tín dụng một cách an toàn, hãy coi thẻ như là tiền mặt. Đừng cung cấp thông tin thẻ cho bất kỳ ai và chỉ sử dụng thẻ ở những địa chỉ mua sắm uy tín.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận