CVV là gì, CVV/CVC trên thẻ Visa, MasterCard, JCB là gì?

  • 20/09/2018

Nếu bạn sử dụng thẻ Visa, MasterCard...để thanh toán trực tuyến thì chắc chắn là bạn sẽ cần các mã số CVV, CVC. Vậy CVC là gì? CVV là gì? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này và giúp bạn biết cách bảo mật thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ của mình.

Mã CVV là gì, CVC là gì?

CVV là viết tắt của từ Card Verification Value. Mã CVC là viết tắt của từ Card Verification Code. Nếu bạn đang cần tìm mã CVC hoặc mã CVV thì bạn có thể tìm được cả 2 loại mã ở mặt sau của thẻ Visa, Master Card. Đây là những mã có vai trò là một mã CSC (Card Security Code). Các mã này có vai trò bảo mật cho thẻ, được sử dụng để xác minh thẻ Visa hoặc thẻ Master.

CVV là gì, CVC là gì

Vị trí in mã CVV, CVC của thẻ ngân hàng

Khi sử dụng thẻ Visa hoặc thẻ mastercard, bạn không cần phải nhớ mã pin của thẻ. Bởi vì nếu bạn thanh toán hoặc mua sắm online, mã CVV/CVC sẽ là mật mã xác nhận khi bạn thực hiện thanh toán, thay vì sử dụng mã pin của thẻ. Khi nhập mã CVV/CVC, nhà phát hành có thể giải mã để kiểm tra thẻ còn hiệu lực sử dụng hay không. Nếu có, phần mã hóa trong thẻ sẽ được giải mã và hoàn tất thanh toán.

Mã CVV/CVC chính là dãy số quyền năng giúp bạn thanh toán trực tuyến dễ dàng khi có thẻ Visa hoặc thẻ Mastercard. Dĩ nhiên, thông tin về mã CVV, CVC phải đi kèm với các thông tin khác được in trên thẻ như Họ tên chủ thẻ, Số thẻ, Hiệu lực thẻ. Tuy nhiên vì trên thẻ không in chỗ nào chữ CVV hay CVC cả nên nhiều người thắc mắc không biết mã CVV là gì, CVC là gì.

Các thông tin quan trọng trên thẻ Visa/Mastercard

Ngày nay, thẻ visa, master card là loại hình dịch vụ được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt đối với các bạn trẻ, việc sử dụng thẻ visa, master card khi thanh toán tại cửa hàng hoặc mua sắm online diễn ra rất thường xuyên. Vậy trên mỗi thẻ visa, mastercard sẽ có những thông tin gì mà bạn cần chú ý.

Tùy từng ngân hàng phát hành thẻ mà mẫu mã thẻ visa, mastercard có thể khác nhau. Tuy nhiên, bất kỳ thẻ visa, master card nào đều chứa những thông tin tối thiểu giống nhau. Thứ nhất, là dãy số định danh của thẻ. Mỗi thẻ đều mang một dãy số riêng biệt giống như số tài khoản ngân hàng của bạ. Số thẻ trên thẻ master, visa là một dãy số thẻ tồn tại duy nhất không trùng lặp với thẻ khác. Ngoại trừ 5 số đầu của thẻ, các số phía sau đều được chọn ngẫu nhiên để đảm bảo sự bảo mật cứ thẻ.

Các thông tin trên thẻ Visa

Các thông tin trên thẻ Visa

Thứ hai, tên đầy đủ của chủ thẻ in trên mặt thẻ. Để nhận diện chủ sở hữu của thẻ visa, master card, trên các thẻ này luôn chứa thông tin tên của chủ thẻ. Phần tên được dập nổi bên dưới dãy số thẻ, đảm bảo không nhầm lẫn các thẻ với nhau.

Thứ bà là thời hạn hiệu lực của thẻ bao gồm tháng và năm thẻ hết hạn. Cấu trúc thông tin này thường có dạnh như 12/2025 chẳng hạn có nghĩa là thẻ sẽ hết hạn vào Tháng 12 năm 2025. Nghĩa là từ Tháng 1 năm 2026 bạn sẽ không thẻ quẹt thẻ này được nữa.

Thứ tư là mã số CVV/CVC. Đây là loại mã được sử dụng khi bạn giao dịch trực tuyến bằng thẻ visa, master card. Để hoàn tất giao dịch thanh toán, bạn cần nhập đầy đủ thông tin thẻ, và cuối cùng kết thúc bằng việc nhập mã CVV/CVC để xác nhận thẻ. Mã CVV/CVC bao gồm 3 số in ở mặt sau của thẻ.

Thứ năm là chữ ký của chủ thẻ. Ở mặt sau của mỗi thẻ visa, master card đều có một trường trống để chủ thẻ ký xác nhận. Chữ ký trên thẻ sẽ là chữ ký mẫu để xác nhận chủ thẻ trong trường hợp cần đối chiếu với các hóa đơn thanh toán. Hoặc nếu thẻ của bạn rơi vào tay kẻ xấu, việc đối chiếu này sẽ hạn chế được các giao dịch gian lận. Đáng tiếc là ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể và các điểm bán hàng cũng chẳng bao giờ đối chiếu cái này.

Rủi ro gì khi lộ thông tin thẻ và mã CVV/CVC

Nếu bạn dùng thẻ visa, mastercard để thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ, thẻ của bạn sẽ được đưa qua máy đọc thẻ mà không cần nhập mã CVV/CVC. Do các thẻ đều được gắn chip thông minh đã được mã hóa, rủi ro bị lộ thông tin qua máy đọc thẻ là rất thấp.

Tuy nhiên, nếu có ai đó lấy được thông tin thẻ của bạn, bao gồm số thẻ, tên của bạn và cả mã CVV/CVC, người đó hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch mua sắm, thanh toán trực tuyến mà không cần cầm thẻ của bạn trên tay. Khi đó, thẻ của bạn bỗng nhiên bị trừ tiền dù giao dịch không phải do bạn thực hiện.

Đây là rủi ro lớn đối với các chủ thẻ visa, mastercard. Vì vậy, đừng bao giờ sao chụp thẻ của bạn với đầy đủ thông tin, bao gồm cả mã CVV/CVC vì chúng có thể bị lọt ra ngoài. Việc bảo mật nhóm mã này sẽ là khâu then chốt để bảo vệ thẻ của bạn. Nếu bạn mới sử dụng thẻ Visa, Mastercard hãy đọc thêm bài viết cách bảo mật thông tin thẻ.

Lộ thông tin thẻ tín dụng là sẽ bị mất tiền

Lộ thông tin thẻ tín dụng là sẽ bị mất tiền

Đặc biệt, khi sử dụng thẻ visa hoặc thẻ mastercard để thanh toán trực tuyến, việc nhập mã CVV/CVC của bạn có thể bị ghi lại hoặc sao chép, dẫn tới rò rỉ thông tin. Rủi ro này xảy ra khi bạn thanh toán online thông qua đường truyền internet hoặc tại các website không được bảo mật. Từ đó, các tin tặc có thể theo dấu những gì bạn đã nhập và dễ dàng có được các thông tin thẻ cũng như mã bảo mật.

Hiện nay có rất nhiều website chấp nhận thanh toán ngay khi nhập đầy đủ thông tin thẻ và mã CVV/CVC mà không cần xác minh cùng mã OTP (xem thêm OTP là gì?) gửi vào điện thoại. Vì vậy, khi để lộ thông tin thẻ cùng toàn bộ mã bảo mật, bạn sẽ có nguy cơ bị lộ và bị sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch khác không thể kiểm soát được.

Có nên xóa mã CVV/CVC?

Để phòng chống nguy cơ lộ mã CVV/CVC, giúp bảo mật thẻ tốt hơn, bạn có thể xóa mã CVV/CVC. Cách làm là bạn ghi nhớ mã này hoặc lưu vào đâu đó. Sau đó bạn xóa toàn bộ mã hoặc xóa một phần mã đã in trên thẻ. Các cách xóa mã thường được sử dụng bao gồm: làm mờ dãy số này, xóa hẳn 3 chữ số hoặc 2 chữ số trong mã CVV/CVC.

Việc xóa số CVV/CVC mang tính chất thủ công và có thể làm xấu thẻ. Vì vậy, ngày nay một số ngân hàng khi phát hành thẻ thường gửi kèm cho khách hàng một sticker để dán lên phần mã này, nhằm che mã bảo mật, giảm thiểu rủi ro lộ thông tin. Mặt khác, nếu xóa hẳn dãy số CVV/CVC, trong trường hợp bạn quên mất mã này, bản thân bạn cũng sẽ không thể sử dụng được thẻ.

Sử dụng Sticker bạn có thể dán kín mã CVV, CVC, số thẻ.v..v

Sử dụng Sticker bạn có thể dán kín mã CVV, CVC, số thẻ.v..v

Ngoài cách xóa mã CVC thì cũng còn cách bảo mật cho thẻ đó là bạn có thể khóa tính năng thanh toán trực tuyến. Hầu hết các dịch vụ quản lý thẻ trực tuyến trong Internet Banking của các ngân hàng hiện nay đều có tính năng này. Khi nào bạn cần thanh toán online thì bạn truy cập vào Internet Banking và mở tính năng này là được.

Lưu ý là vẫn có những nơi thanh toán không cần CVV/CVC

Mặc dù trong các giao dịch mua hàng online thông thường, nhập mã CVV/CVC là bước bắt buộc trước khi xác nhận thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số địa chỉ chấp nhận thanh toán online và hoàn toàn có thể trừ tiền từ thẻ của bạn mặc dù là bạn không cần nhập mã CVV, CVC (ví dụ như trên Amazon.com)

Ở các khách sạn ba sao trở lên, sau khi đặt phòng phía khách sạn thường yêu cầu bạn cung cấp số thẻ, họ và tên chủ thẻ. Sau đó, tiền phòng có thể được trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của bạn mặc dù bạn không cần phải cung cấp mã CVV/CVC.

Một số website quốc tế như amazon, bạn có thể thanh toán thông qua việc nhập số thẻ, không cần nhập mã CVV/CVC.

Tính năng này từ các tổ chức chấp nhận thẻ hay trang web trực tuyến đặc biệt gây rủi ro cho người dùng. Như vậy dù bạn có bảo mật mã CVV/CVC nhưng bị rò rỉ các thông tin quan trọng khác liên quan tới thẻ, thẻ của bạn vẫn có thể bị đánh cắp và chi tiêu ở những địa chỉ này.

Mặc dù thẻ visa, mastercard mang lại nhiều trải nghiệm tiện ích trong thế giới thanh toán và giao dịch online, nguy cơ tiềm ẩn phát sinh từ thẻ vẫn rất lớn. Một lưu ý cực quan trọng cho bạn đó là luôn luôn bảo mật thông tin của thẻ, bao gồm cả thông tin về mã bảo mật và các thông tin liên quan khác. Bạn cần bảo mật thông tin trên thẻ cứng, đồng thời không thực hiện giao dịch online tại những trang web không an toàn.

Việc rò rỉ thông tin đồng nghĩa với rủi ro sẽ bị mất tiền. Các tin tặc có thể lấy cắp tiền trong thẻ của bạn mà bạn không biết đó là ai. Quá trình đối soát, kiểm tra thông tin và yêu cầu lấy lại tiền từ phía ngân hàng trong những trường hợp này rất tốn thời gian và công sức. Do đó, phòng bệnh luôn là liệu pháp hiệu quả hơn chữa bệnh, hãy luôn giữ chặt những thông tin của thẻ bên mình.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận